Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng. Người cũng mang về cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam những nhân tố mới thúc đẩy cách mạng tiến lên mạnh mẽ: Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang Cách mạng và những mối quan hệ quốc tế đầu tiên.
Khát vọng về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, sống trong bối cảnh nước mất, nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh đất nước và nỗi thống khổ của nhân dân. Người quyết định phải tìm ra con đường mới nhằm đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước, cứu dân.
Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng đi Marseille (Pháp), bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu nước đáp ứng yêu cầu: Cứu nước đồng thời cứu được dân. Cuối cùng, Người đã tìm được và đi theo con đường Cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị, về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với Cách mạng Việt Nam; Là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng
Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo Cách mạng. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6/1940) theo Người nhận định “là thời cơ thuận lợi cho Cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với Cách mạng”.
Ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng Hai tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Pác Bó - Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc về nước và chọn Cao Bằng là một sự tính toán kỹ lưỡng liên quan tới triển vọng của phong trào Cách mạng cả nước. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa Cách mạng của cả nước.
Tháng 10/1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa Cách mạng đầu tiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho Cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ". (1) Tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chọn Cao Bằng là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược cho Cách mạng giải phóng dân tộc, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa một địa phương với toàn quốc, giữa phong trào Cách mạng một vùng với phong trào Cách mạng cả nước, nhận thức, đoán định được hiện tại và triển vọng tương lai.
Cũng trong thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đi đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp Người tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng. Lời đề nghị trên trùng với nhận định của Người. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người còn tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Cao Bằng yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào Cách mạng ở địa phương sau này.
Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn”, “chiếc nôi của Cách mạng Việt Nam”. Những tư tưởng chỉ đạo Cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa Cách mạng cả nước tới thắng lợi mà đỉnh cao là thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Ý nghĩa sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào Cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược Cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối Cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân; Thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào Cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ; Cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh Cách mạng.
Đối với quốc tế, quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở về nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít; Cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và Cách mạng tháng Tám 1945. Sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa Cách mạng; Bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của Cách mạng từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược Cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; Bài học về xác định “thời cơ” và chớp thời cơ Cách mạng; Bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và Cách mạng thành công; Bài học về xác định nhiệm vụ Cách mạng; Bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng Cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); Bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.
Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ trở về nước (28/1/1941 – 28/1/2021) vào thời điểm đang diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; Từ đó khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Qua đó nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống Cách mạng, truyền thống lịch sử, thể hiện lòng tự hào, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước; Thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
*(1) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010, tr.37.
Hương Lan (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)