410/442 ĐBQH có mặt tán thành thông quan Luật này, đạt tỉ lệ 83,50%. Theo đó, luật Hỗ trợ DNNVV gồm 4 chương với 35 điều.
Trước khi QH tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật, Ủy ban Thường vụ QH đã giải trình về một số ý kiến của ĐBQH.
Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất (Điều 11), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bố trí quỹ đất hình thành khu sản xuất nông, lâm, thủy hải sản. Có ý kiến đề nghị quy định có tính bắt buộc chính quyền địa phương cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất để hình thành cụm công nghiệp, khu chế biến động vật, sản phẩm động vật, nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản cho doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Dự thảo Luật hiện chỉ quy định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến động vật, sản phẩm động vật, nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản nhằm góp phần thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, các địa phương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội được cấp có thẩm quyền thông qua và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đều giành quỹ đất thành lập cụm công nghiệp tại huyện hay liên huyện. Vì vậy, trong điều kiện nguồn lực tài chính cũng như đất đai, các địa phương đã bố trí quỹ đất để hình thành khu sản xuất nông, lâm, thủy hải sản nên việc bắt buộc tất cả các địa phương đều phải thực hiện mà không căn cứ thực tế sẽ khó khả thi.
Về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Điều 16), nhiều ý kiến cho rằng quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì cần cân nhắc tính hợp lý, vì nếu miễn thuế có thời hạn cho các đối tượng này có thể dẫn đến không bình đẳng với các doanh nghiệp khác; không nên quy định miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay số lượng các hộ kinh doanh cũng không nhỏ, nếu tỷ lệ hộ kinh doanh chuyển đổi lớn có thể phần nào ảnh hưởng đến số thu thuế hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình như sau: Một lý do quan trọng khiến các hộ kinh doanh không có động lực chuyển đổi thành doanh nghiệp vì đang được thực hiện cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn so với thủ tục đóng thuế khi trở thành doanh nghiệp; không phải đóng bảo hiểm cho người lao động, không phải thực hiện các quy định như phải có kế toán trưởng, phải thực hiện nhiều biểu mẫu kế toán, kê khai thuế, mất nhiều thời gian kê khai…
Quy định như dự thảo Luật cũng chỉ miễn thuế có thời hạn, cùng với hỗ trợ khác như miễn lệ phí môn bài, miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện… để tạo khuyến khích đủ mạnh các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Đi đôi với hỗ trợ này, pháp luật có liên quan cần bổ sung chế tài về điều kiện kinh doanh trong khu dân cư, yêu cầu bắt buộc hộ kinh doanh phải đưa sản xuất vào cụm công nghiệp tập trung, tránh gây ô nhiễm môi trường…
Đỗ Thơm