Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tối 17/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019.
Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” luôn là đạo lý sống, nhân sinh quan tốt đẹp trong mỗi con người Việt Nam. Thấm nhuần tinh thần ấy, ngay trước thềm diễn ra chương trình Truyền hình trực tiếp, rất nhiều cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, ... đã cùng đăng ký ủng hộ người nghèo ngay tại thảm xanh của Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Kể từ năm 2018, thảm xanh đã trở thành nơi gặp gỡ của những tấm lòng nhân ái, những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp ủng hộ người nghèo. Màu xanh là màu của thiên nhiên, của sự sống và niềm hi vọng. Còn những chiếc khóa trao tặng trên thảm xanh ngày hôm nay, là biểu tượng cho những chiếc khóa mở ra cánh cửa hi vọng cho người nghèo, để người nghèo trên khắp đất nước có cơ hội được yên ấm, và có cuộc sống tốt hơn. Mỗi tấm lòng, mỗi sự sẻ chia tại chương trình sẽ giúp người nghèo có thêm niềm hi vọng, sự lạc quan và những nụ cười ấm áp trong cuộc sống.
Gần 900 tỷ đồng đăng ký ủng hộ người nghèo
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, với trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, từ năm 2017, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, vào ngày 17/10 hằng năm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”.
Với quyết tâm cao, mỗi năm chương trình đều có cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hơn. Qua 3 năm thực hiện, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và chương trình an sinh xã hội đạt trên 9.000 tỷ đồng. Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019, các tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ ở trung ương và địa phương gần 900 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cùng với việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn vận động được của Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và thực hiện chương trình an sinh xã hội, các hộ nghèo có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; các vùng nghèo có thêm điều kiện để xây dựng cộng đồng tiến bộ, văn minh.
“Ý nghĩa hơn nữa là thông qua các hoạt động tương thân, tương ái, đã khơi dậy tình thương yêu, đùm bọc trong cộng đồng, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết từ mỗi cộng đồng dân cư; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.
Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn tới Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức thành viên Mặt trận, các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí thời gian qua đã đồng hành cùng MTTQ Việt Nam trong các hoạt động chăm lo cho người nghèo.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng trân trọng ghi nhận trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực hưởng ứng, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo cuộc sống, vươn lên cùng cộng đồng; đồng thời đánh giá cao nhiều địa phương đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả, kết quả cao trong vận động ủng hộ người nghèo.
“Đặc biệt tại một số địa phương, hộ nghèo đã tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để dành sự hỗ trợ cho các hộ còn khó khăn hơn”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn còn trăn trở khi đất nước ta thường xuyên bị thiên tai, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu; mỗi lần bão lũ ập đến là nhà cửa, tài sản, đường xá bị cuốn trôi, gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân và Nhà nước. Đó là một trong những nguyên nhân làm tăng số hộ nghèo và gia tăng tỷ lệ tái nghèo.
Để tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng trợ giúp người nghèo, thay mặt Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế hãy tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ người nghèo với tinh thần cao nhất.
“Từ nguồn vận động tại Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 sẽ tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo tại một số tỉnh biên giới, miền núi và vùng thường xuyên bị thiên tai, đồng thời hỗ trợ cho các em học sinh nghèo có điều kiện được tiếp tục đến trường và chăm lo các hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.
Những ngôi nhà mang tên đại "Nhà đoàn kết"
Nhà là nơi yên ấm, dẫu còn khó khăn, nhưng đó cũng chính là nơi những ước mơ được chắp cánh. Và dù trong hoàn cảnh nào thì ý chí và thái độ sống, sẽ quyết định cuộc đời mỗi người. Trên sóng trực tiếp của Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” 2019 đã giới thiệu những con người như vậy.
Chương trình đã đưa người xem đến với mảnh đất Tây Nguyên, nơi mà lá sắn có thể là món ăn chống đói cho các em bé đến trường, nơi có gia đình chị Y Mê ở Kon Tum, người mẹ đơn thân nuôi 3 con là một hoàn cảnh đáng thương như vậy. Trong căn nhà dột nát, hàng ngày, 4 mẹ con chị phải ăn lá mì (sắn) để sống qua ngày. Nhưng dù cuộc sống khó khăn là vậy, những người xem chương trình không khỏi xúc động khi những đứa trẻ con chị Y Mê chia sẻ niềm khao khát được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Đó là anh Nguyễn Như Thuận, thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sinh ra ở vùng quê nghèo, tốt nghiệp PTTH thì anh bị bệnh thấp khớp nặng, biến chứng dính khớp, lưng gù cong lại, cuộc sống chật vật khó khăn, nhưng với tinh thần ham học với tư chất thông minh, sau 2 năm anh Thuận đã có tay nghề vững vàng về sửa chữa điện tử dân dụng, anh muốn mở cửa hàng tại nhà, do cần vốn anh đã vay cả tín dụng đen và phải trả nợ nặng lãi. Với ý chí vươn lên và có sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, anh đã trả được hết nợ tín dụng đen, chuyên tâm vào làm việc, anh Thuận đã thoát nghèo bằng cửa hàng sửa chữa điện tử dân dụng rồi nhiệt tình kèm dạy nghề cho một số thanh niên trong vùng và một số người không may có hoàn cảnh khuyết tật như mình.
Và đã có hàng triệu trường hợp thoát nghèo như thế từ đồng vốn hỗ trợ của ngành Ngân hàng. Cho tới nay hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 7 triệu 800 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng chính sách, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững. Cũng chính nhờ đó, đã có rất nhiều những lá đơn xin thoát nghèo như anh Vi Văn Cả ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vì anh cho rằng đó là "sự công bằng" bởi còn để dành hỗ trợ cho nhiều hộ khó khăn hơn mình. Hay như bà con vùng Môn Sơn - Mường Quạ, Nghệ An đã cùng nhau làm đơn thoát nghèo. Và từ năm 2016 đến nay đã có 383 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Đặc biệt là sự xuất hiện của cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, quê ở Thanh Hóa với lá đơn xin thoát nghèo, bà mộc mạc chia sẻ: “Tuy cao tuổi, nhưng tuổi cao thì ý trí càng cao, mỗi người phải có tư duy để tính toán cho cuộc sống và bản lĩnh cho quyết tâm của mình thì sẽ quyết tâm vươn lên thoát nghèo được”.
Là người từng tham gia chiến trường, hiểu được nỗi đau của những người mẹ có những đứa con thơ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, hay những người lính đã hy sinh một phần xương, máu của mình ngoài chiến trường, cụ bà Đỗ Thị Mơ bảy tỏ: tôi 83 tuổi, chân tay tôi còn lành lặn, còn làm được việc thì cớ sao không xin thoát nghèo, bởi xã hội hôm nay còn rất nhiều người cần được cưu mang…
Ưu tiên mọi nguồn lực để chống đói nghèo
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bình quân mỗi năm ngân sách Nhà nước đã dành khoảng 20% đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như thông qua các chương trình, các dự án, chính sách cho mục tiêu giảm nghèo. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai mạnh mẽ, góp phần hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, nhất là ở những vùng dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; khu vực bị thiên tai, bão lũ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao các ngành, các cấp, các doanh nhân, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trên mọi miền đất nước đã nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo bền vững thời gian qua. Thủ tướng cũng cảm ơn đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân, các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là các chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chống đói nghèo.
Khẳng định chương trình lần này chính là hoạt động quan trọng mở đầu Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2019, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn một cách trách nhiệm, tình thương, chia sẻ và thiết thực. Nhấn mạnh Việt Nam vẫn còn hơn 2 triệu hộ nghèo, cận nghèo, còn 2.000 xã, gần 20.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn, hàng vạn cháu nhỏ chưa đủ áo ấm, suy dinh dưỡng…, Thủ tướng cho rằng, nỗ lực giảm nghèo cần được tiếp tục đẩy mạnh với sự kiên trì, bền bỉ. Mỗi năm tới đây, Việt Nam cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn, cần sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; xây dựng xã hội đoàn kết, nhân ái, đồng hành cùng đồng bào ta thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần. Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực chống đói nghèo nhưng cũng rất cần sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo bên cạnh vai trò đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nhân, cá nhân trong và ngoài nước. Thủ tướng mong muốn, mỗi cá nhân sẽ tận tâm, tận lực, làm hết mình để quyết tâm đưa đất nước vươn lên thành quốc gia có thu nhập cao, để nhân dân được ấm no, hạnh phúc, được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng, nhân ái, văn minh. Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn cả nước sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại chương trình Thủ tướn Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự đã cùng nhắn tin vào Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400, với cú pháp VNN n, gửi 1408. Mỗi tin nhắn tối thiểu là 20 nghìn đồng và tối đa là 2 triệu đồng chính là hành động thiết thực góp phần giảm bớt những khó khăn, tạo niềm tin cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.
“Mỗi tin nhắn một tấm lòng vì người nghèo”, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi.
Tại chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019 tối 17/10 đã có 143 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,… đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền lên tới trên 877 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" là 66 tỷ, ủng hộ chương trình an sinh xã hội là 811 tỷ đồng.
Tính đến 22h00 ngày 17/10/2019, số tiền ủng hộ bằng nhắn tin thông qua Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 là trên 5,1 tỷ đồng.
Theo Hương Diệp - ảnh Quang Vinh/ Trang Thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam