1. Dùng miếng gạc
Giống như khi xử lý các vết thương khác trên cơ thể, chúng ta có thể cầm máu bằng cách đặt nhẹ miếng gạc sạch vào vị trí bị tổn thương đến khi máu ngừng chảy. Tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
2. Dùng kết hợp gạc lạnh và gạc ấm
Bạn hãy giữ một miếng gạc lạnh, hoặc ngậm một viên đá ngay tại vị trí chảy máu, giữ túi chườm cho đến khi máu ngừng chảy. Chỉ sử dụng nước đá trong vòng 10 phút, mỗi đợt cách nhau 10 phút, nếu tình trạng không được cải thiện hãy liên hệ với bác sĩ.
Sau đó bạn có thể dùng một miếng gạc ấm đặt lên vị trí chảy máu giúp giảm đau, nhưng chú ý chỉ sử dụng gạc nóng sau khi đã hết viêm.
3. Ngậm nước muối ấm
Muối có tác dụng kháng khuẩn và sát trùng, do vậy súc miệng bằng nước muối làm giảm sự phát triển của các vi khuẩn gây chảy máu chân răng. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần ngậm một ngụm nước muối ấm trong khoảng 30 giây rồi nhổ đi. Thực hiện súc miệng liên tục 4-5 lần, chia làm 2 buổi sáng sớm và trước khi đi ngủ.
4. Sử dụng nước súc miệng không chứa cồn
Mặc dù cồn có tác dụng sát khuẩn nhưng nó cũng khiến chúng ta sẽ cảm thấy khô miệng. Nếu sử dụng thường xuyên, chất cồn có thể làm tổn thương đến các tế bào vùng miệng, do vậy bạn nên ưu tiên sản phẩm không chứa cồn để vừa loại bỏ viêm nướu gây chảy máu chân răng vừa bảo vệ sức khỏe răng miệng.
5. Dùng dầu đinh hương
Dầu đinh hương có đặc tính kháng viêm (nhờ chứa thành phần eugenol) nên được dùng như một nguyên liệu chữa chảy máu chân răng hiệu quả. Bạn chỉ cần hòa 2 giọt dầu đinh hương với 1 thìa dầu dừa rồi dùng bông chấm lên vùng nướu viêm. Kiên trì sử dụng 1-2 lần/ngày tình trạng chảy máu nướu sẽ được cải thiện đáng kể.
6. Sử dụng túi trà lọc hoặc lá trà xanh
Thành phần axit tannic trong trà có tác dụng giảm nhiễm trùng nướu, do vậy bạn có thể ngâm túi trà trong nước nóng già, đợi 2 phút, nhấc ra và để nguội. Sau đó bạn đặt túi trà trên vị trí chảy máu trong 5 phút, tình trạng chảy máu sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Bạn cũng có thể dùng lá trà xanh để chữa chảy máu chân răng bằng cách hãm lá trà trong nước nóng, thêm một chút mật ong. Để trà ngấm và ngậm chúng trong vài phút rồi nuốt.
7. Uống trà hoa cúc
Nhúng túi trà hoa cúc vào nước sôi khoảng 5 phút. Đợi trà nguội và thưởng thức. Thành phần Chamomile trong trà hoa cúc có khả năng làm dịu vết thương và chống viêm cực kỳ hiệu quả.
8. Dùng củ nghệ
Nghệ chứa hợp chất curcumin có tính chống oxy hóa cao, kháng viêm, kháng khuẩn, loại bỏ mảng bám và ngừa viêm nướu. Do đó nó cũng là một trong những nguyên liệu chữa chảy máu chân răng hiệu nghiệm. Cách làm vô cùng đơn giản, trộn một thìa bột nghệ với một ít nước và đắp lên phần nướu răng bị chảy máu trong khoảng 10 phút sau đó súc miệng lại bằng nước ấm. Bạn hãy kiên trì thực hiện 1 lần/ ngày trong khoảng vài tuần để thấy rõ hiệu quả.
9. Dùng mật ong
Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giúp giảm hiện tượng viêm nướu do nhiễm khuẩn. Hãy súc miệng bằng nước ấm và dùng mật ong để xoa nhẹ vùng bị viêm trong 10 phút vào mỗi sáng. Chú ý chỉ bôi mật ong lên lợi, không bôi lên răng, đặc biệt với người bị sâu răng, mật ong có thể khiến tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu gây chảy máu nướu là do không vệ sinh răng miệng sạch sẽ; Sử dụng bàn chải không phù hợp; Dùng chỉ nha khoa không đúng cách. Do vậy, ngoài 9 cách trên đây bạn đừng quên chăm sóc sức khỏe răng miệng thật tốt, thay bàn chải đánh răng sau mỗi 3 tháng, tránh tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến và đường (gây mảng bám), bổ sung nhiều rau xanh (đặc biệt các loại rau giòn có tác dụng loại bỏ cặn thức ăn) và nên hạn chế hút thuốc lá.
Cuối cùng, đừng quên kiểm tra răng miệng, làm sạch, loại bỏ cao răng thường xuyên để giữ cho răng và miệng của bạn luôn khỏe mạnh.
Minh Hoa (t/h)