Thực quản là một phần của ống tiêu hóa, cấu trúc hình ống, dài khoảng 25 cm, rộng khoảng 2,5 cm. Thực quản nằm giữa khí quản (đường thở) và cột sống, chia làm ba đoạn trên, giữa, dưới.
Ung thư thực quản là những tổn thương ung thư xuất phát từ biểu mô niêm mạc của thực quản.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) năm 2020 có hơn 600.000 trường hợp mắc mới ung thư thực quản. Đây là bệnh lý ung thư gây tử vong phổ biến thứ 6 trên thế giới.
Tại Việt Nam, ung thư thực quản đứng hàng thứ 9 trong số 10 loại ung thư gây tử vong nhiều nhất, với hơn 3.000 trường hợp tử vong và hơn 3.200 ca mắc mới.
Dấu hiệu thường gặp
Khi còn ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Vì vậy, phần lớn ung thư thực quản ở giai đoạn sớm được phát hiện tình cờ qua nội soi tiêu hóa khi tầm soát hoặc theo dõi định kỳ các bệnh lý khác.
Khoảng 50% người bệnh được chẩn đoán ung thư thực quản ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém, đồng thời ảnh hưởng đến tiên lượng sống của người bệnh.
Vì vậy, khi có những biểu hiện dưới đây bạn cần đi kiểm tra sớm bởi nó có thể là dấu hiệu nhận biết của ung thư thực quản.
Nuốt nghẹn, nuốt khó
Nuốt nghẹn là triệu chứng thường gặp nhất, xuất hiện ở 95% trường hợp ung thư thực quản. Người bệnh gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, cảm thấy vướng ở thực quản.
Ban đầu, người bệnh có thể bị nghẹn bởi thức ăn dạng đặc như thịt, cá. Sau một thời gian, do khối u phát triển gây hẹp lòng thực quản, cảm giác nghẹn có thể xảy ra ngay cả khi người bệnh dùng thức ăn dạng lỏng như canh, súp, cháo, thậm chí không uống được nước, sữa.
Thông thường, khi có cảm giác nuốt nghẹn, ung thư thực quản có thể đã tiến triển ở giai đoạn 3 hoặc 4.
Sụt cân
Tình trạng này xuất hiện ở 40-50% trường hợp ung thư thực quản. Người bệnh có thể sụt cân nhanh chỉ trong thời gian ngắn dù không áp dụng bất kỳ chế độ ăn kiêng nào. Sụt cân thường đi kèm với nuốt khó, tình trạng có thể được cải thiện nếu giải quyết được vấn đề ăn uống, dinh dưỡng cho người bệnh.
Đau tức vùng ngực sau xương ức khi nuốt
Xuất hiện ở khoảng 20% trường hợp ung thư thực quản, nhất là xảy ra khi người bệnh ăn thức ăn đặc, thậm chí uống nước. Cơn đau thường khởi phát từ vùng ngực sau xương ức, sau đó có thể lan ra toàn ngực, lưng, thượng vị.
Tăng tiết nước bọt
Do thức ăn bị nghẹt tại thực quản, nước bọt không thể theo thức ăn xuống dạ dày, người bệnh sẽ cảm giác có nhiều nước bọt trong họng và phải nhổ nước bọt thường xuyên hơn.
Nôn ói
Người bệnh sẽ có biểu hiện nôn ói khi có tình trạng nuốt nghẹn rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, hoặc ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị (dịch tiêu hóa của dạ dày) do thức ăn chưa đến được dạ dày, có thể lẫn ít máu trong chất nôn. Khi bệnh diễn tiến nặng, tình trạng nôn ói có thể xuất hiện thường xuyên hơn.
Mệt mỏi
Người bệnh xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, có thể thiếu máu.
Ho kéo dài, ho ra máu
Đây là dấu hiệu dễ nhầm lẫn với ung thư phổi. Các cơn ho mạn tính, dai dẳng xuất hiện khi có nhiều chất nhầy dính trên thành thực quản, ho có thể lẫn máu. Các cơn ho này là do cơ chế làm sạch chất nhầy hoặc bụi bẩn chứa trong thực quản của cơ thể.
Khàn tiếng
Thường gặp trong ung thư thực quản giai đoạn tiến xa, khi ung thư xâm lấn dây thần kinh quặt ngược thanh quản (dây thần kinh quặt ngược thanh quản có vai trò điều khiển hoạt động dây thanh). Khàn tiếng kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc không cải thiện với các thuốc kháng viêm.
Khó tiêu, ợ hơi, ợ chua
Triệu chứng người bệnh có thể gặp bao gồm đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên, hoặc cảm giác nóng rát sau xương ức, hoặc ợ hơi, ợ chua. Các triệu chứng có thể xảy ra cùng lúc hoặc riêng lẻ, thường xuất hiện sau khi ăn.
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư thực quản, nhưng phổ biến là do hút thuốc; uống rượu; béo phì; trào ngược dạ dày thực quản (GERD); barrett thực quản; co thắt tâm vị không được điều trị; túi thừa thực quản; bỏng thực quản do hóa chất; xạ trị ở vùng ngực hay bụng trên.
Ngoài ra, còn do chế độ ăn uống ít trái cây và rau quả. Thực phẩm và nước uống có nhiều nitrit và nitrat (là nguồn sinh ra nitrosamin - chất gây ung thư); thói quen ăn và uống nhiều đồ nóng và các chất gây cọ sát niêm mạc thực quản.
Nguyên nhân gây ung thư thực quản cũng có thể do mắc Hội chứng Plummer-Vinson. Bệnh thường ở nữ, thiếu máu nhược sắc, viêm lưỡi thể teo, viêm thực quản kèm nuốt nghẹn.
Cách phòng tránh
Ung thư thực quản ngày càng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, nên chủ động phòng ngừa ung thư thực quản bằng một số biện pháp sau:
Ăn uống điều độ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng.
Hạn chế ăn các thực phẩm lên men, muối chua, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây.
Không sử dụng thuốc lá, rượu bia.
Tiêm phòng ngừa virus HPV (human papilloma virus).
Bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần hoặc đi khám sớm khi có những dấu hiệu bất thường. Phát hiện bệnh càng sớm, khả năng điều trị triệt căn, hạn chế nguy cơ ung thư tái phát càng cao. Không chủ quan, lơ là ngay cả với những biểu hiện bệnh không rõ ràng.
Quỳnh Chi (t/h)