Cô giáo con gái mình bảo: “Em thật với anh là cháu viết văn tệ đến mức em không thể sửa nổi nữa. Ai đời đề bài tả cây ăn quả cháu lại tả cây ớt, câu cú thì lung tung đọc chẳng ai hiểu gì”.
Mình chỉ cười cười, bảo: “Cháu nó giống anh, học cái môn trừu tượng này dốt lắm”.
Tối mình về hỏi con gái: “Đề bài như thế sao con lại tả cây ớt?”.
Cháu bảo: “Ớt cũng là cây ăn quả. Cả nhà mình ăn ớt đấy còn gì”.
Mình bảo: “Ừ, con nói phải”. Mình nhìn ra ban công, ở đấy có mấy cây ớt mình trồng, ra quả hoe hoe, lung lay trước gió. Mình nghĩ: “Hay mình trồng một cây xoài hay bưởi ở đây nhỉ”.
Con gái ấm ức: “Con sợ môn văn lắm. Không biết viết gì”.
Mình động viên: “Con sẽ không học dốt môn này đâu. Con cứ tin bố đi, vì con giống bố mà”.
Hồi mình học lớp 4 mình cũng rơi vào trạng thái như con gái. Bố mình bảo: “Tao chưa bao giờ gặp một đứa nào ngu như mày. Viết một câu còn không nên hồn”.
Mình mang tâm lý là kẻ ngu nhất trần đời cho đến lớp 5, đùng một cái có bài kiểm tra tả về một người bạn thân. Phần lớn các bạn trong lớp đều viết: “Em có một người bạn tên là Lan, mắt to tròn, tóc đen, da trắng, môi đỏ như son”. Mình viết: “Tất cả lũ trẻ trong khu tập thể của tôi không ai dám chơi với Tráng khỉ. Tráng nhìn như một con khỉ với đôi tay đen đúa dài lòng khòng. Bọn trẻ con nghĩ rằng Tráng mới được bố mẹ cậu ta bắt từ rừng về và đang nuôi dưỡng để thành người. Còn tôi không quan tâm lắm đến việc cậu ta là người hay là khỉ. Tôi thích Tráng khỉ vì cậu ta trèo cây rất giỏi và chúng tôi thường tổ chức các vụ ăn trộm ổi của nhà hàng xóm”. Đại loại mình viết về các trò khỉ của Tráng và mình, cuối cùng mình kết luận nó là người với đầy đủ các cung bậc tình cảm, và còn người hơn nhiều người khác mặc dù đội lốt khỉ.
Cô giáo dậy văn phê vào bài: “Bài làm thật xúc động, chân thật, cám ơn em đã viết một bài văn hay như thế” và cho điểm 9 đỏ chói. Cô giáo đọc bài mình trước lớp, còn xin lại để giữ kỉ niệm đời dạy văn của mình.
Hôm vừa rồi lại gặp cô giáo dạy văn con gái mình. Cô mắt tròn xoe bảo: “Anh ơi, em không ngờ đấy, cháu đột phá về môn văn. Em vừa cho cháu 9 điểm”. Cô nói rồi chìa chìa cuốn vở có số 9 màu đỏ. Mình lại cười cười bảo: “Nó giống anh mà em”.
Cô giáo bảo: “Anh đọc đi, hay lắm, thật lắm”.
Mình bảo: “Thôi, để lúc khác”. Nói vậy chứ mình cũng kịp liếc vài dòng, thấy có đoạn cháu viết: “Cả nhà tôi gọi em là Minh Lác. Em mới 10 tháng tuổi và giống hệt ông ngoại tôi ở cái dáng tập đi chân lết lết dưới sàn nhà và nói những câu u ơ như chim hót mà không ai hiểu gì”.
Tối về mình lại bảo con gái: "Con thấy chưa? Con sẽ lại học khá môn này mà".
Cháu bảo: "Con thích viết về những gì con nhìn thấy, con cảm thấy".
Mình bảo: "Ừ, thực ra học văn nó là thế đấy. Làm cho con người vui với niềm vui thật, đau với nỗi đau thật của loài người. Chứ cứ vui giả, đau giả lại là trò khỉ của mấy con khỉ".
Cao Sơn