Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, đối với các doanh nghiệp cung ứng hàng "dỏm", việc tước giấy phép kinh doanh, sản xuất là chưa đủ. Hơn nữa, chẳng ai có thể biết được trên thị trường hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn bất chính bằng việc "phù phép" tem chứng nhận hợp quy.
Muôn nẻo đường vi phạm
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, chánh thanh tra Bộ GTVT, trong đợt thanh tra này, bộ đã phát hiện và rút giấy phép sản xuất của 9 trên tổng số 52 doanh nghiệp được phép sản xuất thiết bị giám sát hành trình vì lỗi vi phạm các quy định. Ngoài ra, nhiều đơn vị hiện vẫn còn vi phạm các lỗi nhỏ và bộ đang cho thời hạn 3 tháng để khắc phục. Nếu trong khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp này không khắc phục được sẽ bị thu hồi giấy phép. Được biết, trong thời gian tới, bộ sẽ mở rộng thanh tra số doanh nghiệp sản xuất còn lại.
Nhiều doanh nghiệp lắp hộp đen chỉ để đối phó
Cũng trong đợt kiểm tra tình trạng sử dụng hộp đen vừa qua, kết quả thu được khiến cơ quan chức năng cảm thấy buồn. Ông Thạch Như Sỹ - phó chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hiện rất nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh và cố tình vi phạm các quy định đã đề ra về chất lượng hộp đen. Theo ông Sỹ, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ kiểm tra tại bến xe Giáp Bát - Hà Nội, đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên hiện trường ba xe thì hai xe của công ty Cổ phần phát triển công nghệ điện tử MID Việt Nam (MID) không trích xuất được bất cứ thông tin nào, một xe có thông tin nhưng không đầy đủ. Bên cạnh đó, máy chủ xử lý báo cáo theo các tiêu chí của Bộ GTVT gần như bị tê liệt, mất hàng chục phút cũng không thể trích xuất được thông tin... Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên nhiều xe khách, xe tải, đã không trích xuất được thông tin, không in được số liệu.
Ngoài ra, ông Sỹ còn cho biết, lực lượng thanh tra Bộ GTVT đã "lật tẩy" hàng loạt vi phạm của các nhà sản xuất bằng cách "phù phép" tem chứng nhận hợp quy, có dấu hiệu lừa đảo và không trung thực với khách hàng. Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều người cho rằng, hiện nay có quá nhiều đại lý cung cấp hộp đen nên rất khó quản lý, dẫn tới hàng giả hàng nhái được tuồn vào thị trường rất khó kiểm soát.
Trao đổi với PV liên quan đến vi phạm sản xuất, sử dụng hộp đen, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên giám đốc - tổng biên tập Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng: "Hộp đen rất cần thiết, đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng của nước ta chưa đồng bộ, cùng nhiều quy định về vận tải ngặt nghèo, để giảm thiểu những tai nạn cần thiết phải có hộp đen để giám sát.
Tuy nhiên, khi chúng ta đưa vào áp dụng thực tế, do không lường hết được nhiều tình huống thực tế nên dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp thực hiện hời hợt. Theo TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, hiện tại, công tác quản lý của chúng ta chưa đồng bộ, khép kín dẫn tới doanh nghiệp xem thường. Trong công tác kiểm tra chất lượng nên có quy chế, quy định thống nhất. Sản phẩm trước khi đến với khách hàng cơ quan Nhà nước nên kiểm định lại lần nữa.
TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, cần thiết chúng ta phải có tiêu chuẩn thống nhất, quy định các thông số hợp nhất. Đặc biệt, nên thống nhất cơ quan quản lý và giám sát hộp đen. Hộp đen cần kiểm tra thường xuyên. Bởi vì, nếu không đạt yêu cầu về kỹ thuật, hộp đen sinh ra cũng không có ý nghĩa gì. Toàn bộ tư liệu hộp đen nên chuyển về một trung tâm xử lý. Mỗi khu vực nên có một trung tâm chuyên trách xử lý thông tin hộp đen. "Mục đích của chúng ta là giảm thiểu tai nạn xảy ra. Vì vậy công tác xử lý tình huống nguy hiểm kịp thời mới là yếu tố đặt lên hàng đầu chứ không phải để xảy ra tai nạn rồi mới kiểm tra thì chỉ là để quy trách nhiệm xử lý", TS. Xuân Thuỷ nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Xuân Thủy
Cần xử nặng tay các doanh nghiệp sản xuất hộp đen "dỏm"
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho biết: "Vấn đề lắp hộp đen cho xe khách, xe tải đã được bộ GTVT trình Chính phủ từ năm 2010. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp vận tải thực hiện một cách nghiêm túc thì nhiều doanh nghiệp cũng chỉ lắp qua loa cho xong chuyện. Bởi thời gian qua, trên cả nước, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp lắp hộp đen không đúng quy định. Không chỉ các chủ xe mà các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thiết bị này cũng làm ăn gian dối".
Theo ông Chung, với một số trường hợp hộp đen lỗi, không chiết xuất được thông tin, để đảm bảo tính khách quan, lực lượng Thanh tra Giao thông sẽ cử cán bộ làm việc trực tiếp chủ xe và doanh nghiệp sản xuất. Lỗi do bên nào thì xử lý bên đó. Theo quan điểm của ông Chung, cần phải phạt nặng những doanh nghiệp lắp hộp đen chỉ để đối phó cũng như người cung cấp hộp đen kém chất lượng để tăng tính răn đe.
"Theo ý kiến của tôi, các cơ quan chức năng thông qua việc theo dõi hộp đen sẽ phát hiện ra lái xe vi phạm tốc độ, lấn tuyến hoàn toàn có thể xử phạt được. Bởi vì hiện nay, các lái xe vẫn đinh ninh rằng, việc lắp hộp đen chỉ để doanh nghiệp vận tải kiểm soát được hành trình di chuyển của mình. Họ có vi phạm tốc độ, doanh nghiệp chỉ nhắc nhở là xong. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng có được chế tài xử phạt qua dữ liệu này thì các lái xe sẽ không dám phóng nhanh vượt ẩu. Chính vì thế, việc làm thiết bị giám sát hành trình kém chất lượng, không chiết xuất được thông tin khiến cho việc giám sát của các cơ quan chức năng bị hạn chế. Vì vậy, hành vi của 9 doanh nghiệp vừa qua cần phải bị xử lý thật nặng", vị Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM nhấn mạnh.
Hộp đen không phải hàng hóa bình thường Để giảm thiểu hộp đen kém chất lượng trôi nổi theo ông Thuỷ không nên để các đại lý bán tràn lan trên thị trường. Hộp đen nên bán tại các địa điểm được quy định và có sự giám sát. Nó có thể nằm luôn trong các trạm đăng kiểm, khi đưa về một mối thì công tác kiểm tra giám sát sẽ tiến hành đơn giản và hiệu quả hơn. Bởi bản thân thiết bị giám sát hành trình không phải là một loại hàng hoá bình thường mà nó là sản phẩm đăng kiểm. |
Phúc Chương