Những ca tự tử vì lý do "trên trời"
Buổi chiều ngày 21/2, PV có mặt ở phòng Hồi sức cấp cứu của trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai). Ngồi ngoài hành lang tầng 2, bà N.T.N., mẹ của chị Nguyễn Thanh H. (22 tuổi, ngụ ở Quảng Ninh) vẫn giữ khuôn mặt buồn rười rượi mặc dù con gái mình đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Đến nay, đã mấy ngày trôi qua kể từ khi chị H. uống axít tự tử nhưng bà N. vẫn không tin đó là sự thực. Người mẹ này cũng chẳng thể ngờ, vì một lý do lãng xẹt, con gái mình suýt nữa đã rơi vào lưỡi hái tử thần.
Bà N. cho biết: "Sau khi gia đình đưa con đi cấp cứu, đến khi nó tỉnh lại tôi mới biết nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của H.. Đến giờ, chẳng ai có thể nói chuyện được với nó. Các bác sĩ hỏi gì nó cũng lắc đầu rồi nước mắt chảy như mưa". Có lẽ vì thế nên khi PV muốn vào thăm hỏi bệnh nhân nhưng bà N. từ chối. Người mẹ này chia sẻ, cứ mỗi khi nhắc đến chuyện cũ, con gái bà lại khóc và vật vã trên giường bệnh.
Bà N. kể: "Trước Tết, gia cảnh đã nghèo, chồng nó còn mang hết đồ đạc trong nhà đi cầm cố để cờ bạc. Mặc dù H. ra sức ngăn chồng nhưng không được. Trong khi hàng xóm nhộn nhịp sắm Tết, gói bánh chưng, mua đào quất thì căn nhà của hai vợ chồng nó trống trơn, không một đồ vật gì đáng giá. Chồng thì đi đánh bạc, H. ở nhà một mình nảy sinh tâm lý chán nản". Sau này, khi chị nói chuyện thì chồng chửi mắng, tủi cực, nghĩ quẩn, chị H. đã uống axít tự tử. Tuy được cấp cứu kịp thời, qua được con nguy kịch nhưng dạ dày và ruột bị tổn thương nghiêm trọng. "Điều khiến chúng tôi và H. đau lòng hơn cả là cái thai mới 2 tháng tuổi đã mất. Khi biết tin đó, con gái tôi đã khóc rất nhiều. Việc dại dột của H. không những tự làm khổ mình mà còn khiến nó mất đi đứa con mà cả hai bên nội ngoại mong đợi", bà N. thở dài.
Nhiều vụ tự tử với lý do lãng xẹt khiến nhiều người cảm thấy giật mình
Câu chuyện của bố mẹ cô gái 22 tuổi tên C. (Mai Châu, Hòa Bình) đang nằm điều trị tại trung tâm Chống độc khiến người nghe không khỏi giật mình. Người ta giật mình vì cái lý do dẫn tới việc em quyên sinh và có mặt ở trung tâm Chống độc. Được biết, C. là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ở Hòa Bình. Theo các bác sĩ tại trung tâm Chống độc, nữ sinh này bị ngộ độc vì thuốc diệt cỏ paraquat tự tử.
Nói chuyện với chúng tôi, chị S., mẹ đẻ của C. ngậm ngùi cho biết, dịp Tết vừa rồi, con chị bị mệt và liên tục kêu đau đầu. Vợ chồng chị đã mua thuốc cho con gái uống nhưng C. không thấy đỡ. Tết đến, phải lo sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa nên chị không hỏi thăm được nhiều đến cô con gái đang ốm. Ngày mùng 1 Tết, không thấy C. đi lại ở nhà. Chị S. liền chạy đi khắp nơi để tìm. Bỗng nhiên, người mẹ này tá hỏa khi con gái mình đang nằm bất động. Dưới đất là vỏ chai thuốc diệt cỏ. Sau này vợ chồng chị S mới biết, C. đã tự tử từ hôm trước.
Được biết, sau khi được cấp cứu, C. tỉnh lại và nói với gia đình rằng, cô bé cảm thấy buồn vì gia đình không quan tâm nhiều. Trong lúc trống rỗng, cô bé nghĩ quẩn và đi tìm lọ thuốc diệt cỏ để uống. "Gia đình tôi làm nông nên dự trữ rất nhiều thuốc diệt cỏ. Mặc dù cháu đã thoát nạn nhưng tôi vẫn cảm thấy sốc. Cháu đã 22 tuổi nhưng vẫn còn dại quá. Có lẽ sau lần này vợ chồng tôi phải quan tâm, nói chuyện với con nhiều hơn nữa. Bác sĩ nói rằng, hiện tại C. chỉ tạm thời qua cơn nguy kịch. Phải theo dõi thêm 3 tháng nữa, nếu cháu ổn định thì mới coi là khỏi hẳn", chị S. tâm sự.
Bác sĩ Phạm Duệ, giám đốc trung tâm Chống độc cho biết, trong năm 2012, trung tâm vẫn tiếp nhận rải rác các ca tự tử bằng cách uống thuốc độc. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 9 ngày Tết, chính trung tâm cũng ngạc nhiên vì 7 ca tự tử đến dồn dập như vậy. Đây là một hiện tượng đáng lo ngại. Bởi những vụ việc trên không chỉ đơn thuần là một vụ tự tử mà nó còn thể hiện tâm lý bất ổn của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Họ tự kết liễu đời mình bằng những lý do hết sức lãng xẹt.
Theo bác sĩ Duệ, điều đặc biệt là các em đều ở nông thôn, 4/7 em tự tử bằng thuốc trừ cỏ paraquat - loại thuốc cực độc với tỷ lệ tử vong lên tới 70 - 90%. Vì vậy, cho dù bệnh nhân được cấp cứu và điều trị ngay sau khi uống thuốc, đã tỉnh táo nhưng vẫn phải đối mặt với tử thần trong vòng 3-4 tháng sau.
Số người chết vì tự tử cao hơn nạn nhân chiến tranh
Bác sỹ Lê Quốc Nam, phòng khám Tâm lý Y khoa - Tâm Thần kinh Quốc Nam cho biết: "Mỗi năm trên thế giới có hơn 1 triệu người chết vì tự tử. Số người chết vì tự tử còn nhiều hơn chết vì chiến tranh, khủng bố và giết người. Mỗi năm có trên 6 triệu người bị tác động ghê gớm bởi cái chết do tự tử của thành viên trong gia đình. Cũng theo bác sĩ Nam, vấn nạn tự tử được gây ra từ mối tương tác phức tạp giữa các yếu tố nguyên nhân trong đó bao gồm bệnh lý tâm thần, sự nghèo khổ, lạm dụng chất gây nghiện, cách ly xã hội, sự mất mát, các khó khăn trong mối quan hệ cũng như trong công việc. Trong đó trầm cảm là một trong những căn nguyên của tự tử. Những người mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 20,4 lần so với dân số chung.
Việc ngăn ngừa tự tử phải có sự tham gia của các chuyên gia sức khỏe và sức khỏe tâm thần, người tình nguyện, nhà nghiên cứu, thành viên gia đình hay bạn bè có người thân chết vì tự tử, chính quyền trung ương và địa phương, nhà giáo dục, nhân viên cấp cứu, giám đốc xí nghiệp, chức sắc tôn giáo, nhà chính trị và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Cùng quan điểm, bác sỹ Nguyễn Thị Hương Xuân, trưởng khoa Tâm thần trẻ em, bệnh viện Tâm thần TƯ 1 chia sẻ: "Trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần trẻ em, phụ nữ, tôi thấy rằng đa số các em trước lúc mắc bệnh đều khá ngoan, học giỏi, còn là những người phụ nữ hiền lành, chăm chỉ. Tuy nhiên, họ chỉ cần vấp phải một cú sốc tâm lý hoặc bị gia đình từ chối một đòi hỏi nào đó cũng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, hoang tưởng tự làm đau mình".
Bác sỹ Xuân tâm sự, bà đã từng điều trị cho một học sinh lớp 12, trường chuyên Lạng Sơn. Học sinh nay là con út trong gia đình. Hai người chị đều học rất giỏi và bản thân bệnh nhân cũng là người thông minh, có kết quả học tập đáng nể. Khi thấy bạn bè có điện thoại xịn có thể chơi game, cậu ta cũng muốn bố mẹ mua cho. Tuy nhiên, người bố đã mắng cậu về thói đua đòi. Cậu phản ứng bằng việc bỏ nhà đi và rơi vào trạng thái trầm cảm, không quan tâm đến bản thân và có hành vi gây tổn thương cho chính mình. Khi được gia đình đưa vào điều trị tại bệnh viện, các bác sỹ phải mất rất nhiều thời gian để canh chừng, làm các liệu pháp tâm lý, an ủi, động viên mỗi ngày với cậu bé. Cùng với đó, mỗi tuần bố mẹ, bạn bè, thầy cô đều dành thời gian đi từ Lạng Sơn xuống trò chuyện cùng với em. Nhờ đó, bệnh nhân sau vài tháng điều trị đã trở lại cân bằng.
Theo trung tâm Phòng chống khủng hoảng (PCP), qua một số nghiên cứu về tự tử tại Việt Nam, có tới 25,4% người dân có ý định tự tử; 15,6% có kế hoạch tự tử và thực hiện hành vi tự tử là 4,2%. Còn theo Báo cáo chuyên đề sức khỏe tâm thần vị thành niên và thanh niên Việt Nam của trường ĐH Y tế công cộng năm 2010 cho thấy, 4,1% các em nghĩ đến chuyện tự tử, 25% số này tìm cách kết thúc cuộc sống. Đáng lưu ý, tỷ lệ nữ giới đã từng nghĩ đến tự tử cao gấp 2 lần nam giới, tỷ lệ ở thành thị (5,4%), cao hơn nông thôn (3,6%). Đặc biệt, 7,5% tự gây thương tích nhằm thoát khỏi cảm xúc đau đớn và tâm lý căng thẳng. |
Hà Khê - Vương Chân