Sáng 28/7, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp Tp.Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tại cuộc họp báo, ông Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” sẽ được tổ chức vào ngày 1/8/2023 tại Trường Đại học Luật Hà Nội với sự tham dự của 350 đại biểu.
Sự kiện cũng thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn Tp.Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức thông qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các trường đại học, học viện, cao đẳng ở trên địa bàn thành phố, nhằm cung cấp các luận chứng khoa học góp phần hoàn thiện Luật Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thành phố.
Đồng thời, hội thảo cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng chính sách, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần hiện thực hóa các mục tiêu theo Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Bện cạnh đó, trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến chính sách thu hút nhân tài của Thủ đô sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong Dự Luật, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cũng khẳng định, công tác đào tạo giáo dục Thủ đô, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút hút trọng dụng nhân tài là một trong những nội dung chủ đạo đề cập tại Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
Hội thảo sẽ tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn như: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông;
Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai;
Đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.