1. Sức khỏe vô địch
Lính thủy đánh bộ Nga thường hoạt động ở cả trên bộ và trên biển, thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu vượt khả năng của một binh sĩ thông thường. Để làm được điều đó, chắc chắn họ cần phải rất mạnh mẽ.
Một người lính thủy đánh bộ lực lưỡng phải cao hơn 1m75 nhưng không nặng hơn 80kg. Các ứng viên có năng khiếu thể thao thường được khuyến khích đăng tuyển vào lực lượng này. Những người không có tinh thần tập thể thường không có chỗ đứng trong lực lượng lính thủy đánh bộ Nga.
2. Tính quyết đoán
Người lính thủy đánh bộ Nga cần quyết đoán và suy nghĩ, phản ứng nhanh trong mọi trường hợp. Họ thường đưa ra quyết định chỉ trong vài giây bởi những tình huống chiến đấu nguy hiểm luôn kề cận họ, thậm chí đe dọa tới sinh mạng. Tuy nhiên, lực lượng này là những người không bao giờ e ngại các thách thức. “Chúng ta ở đâu, ở đó có chiến thắng!” chính là khẩu hiệu của lực lượng lính thủy đánh bộ Nga.
3. Khả năng đổ bộ trở thành tuyệt kỹ
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của lính thủy đánh bộ là hoạt động đổ bộ bờ biển. Điều đó giải thích vì sao họ được huấn luyện không ngừng nghỉ để biến nhiệm vụ này thành bản năng. Bất chấp mọi địa điểm, địa hình, dù là trời băng tuyết lạnh giá như Bắc Cực hay Biển Đen ấm áp đi chăng nữa thì đội quân “Mũ nồi đen” cũng không bao giờ chùn bước.
4. Dũng cảm vô song
Đổ bộ bờ biển, nơi mà kẻ thù luôn ở thế chủ động hơn với nhiều ưu thế, là công việc không hề dễ dàng. Bởi lính thủy đánh bộ là lực lượng đầu tiên phải đối mặt với hỏa lực của kẻ thù và cũng là những người đầu tiên chế ngự hầm hào, lô cốt và hàng rào thép gai để mở đường tiến cho những đơn vị khác. Do vậy, dũng cảm là khí chất tối thượng mà quân đội đòi hỏi từ người lính thủy đánh bộ.
5. Như những tuyển thủ bơi lội xuất sắc
Nếu không phải người bơi lội giỏi, chắc chắn giấc mơ trở thành lính thủy đánh bộ sẽ không trở thành hiện thực. Một người lính thủy đánh bộ rất cần khả năng ngụp lặn như hải cẩu, có thể bơi một mạch 50m xuyên qua khu nước biển băng giá, vượt qua sông hồ trong những bộ đồng phục dày. Trong nhiều tháng, lính thủy đánh bộ phải di chuyển khắp thế giới để thực hiện những nhiệm vụ dài ngày. Dĩ nhiên say sóng không bao giờ nằm trong từ điển của họ.
6. Một phong cách “độc”
Màu sắc chủ đạo của trang phục lính thủy đánh bộ Nga là màu đen, từ mũ nồi tới áo, quần và ủng. Nhưng lực lượng này cũng có một biểu tượng độc đáo khác là chiếc áo sơ mi ngắn tay trắng với đường kẻ ngang màu xanh. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Đức thường gọi các chiến binh hải quân đánh bộ của Liên Xô là “Tử thần đen” một phần cũng là vì bộ trang phục của họ, phần khác vì khả năng chiến đấu tuyệt vời của những người lính đặc biệt này.
7. Tinh thần đồng đội
Dù lính thủy đánh bộ Nga luôn được huấn luyện kỹ càng và chuẩn bị cho mọi tình huống tác chiến, nhưng mỗi người hiếm khi là một thực thể đơn lẻ và hoạt động độc lập. Hoạt động nhóm, tinh thần đồng đội và sự tương tác là điều tối quan trọng đối với lực lượng lính thủy đánh bộ Nga. Họ cần tin tưởng vào đồng đội, đôi khi bằng cả mạng sống của mình.
8. Khổ luyện mỗi ngày
Không ai sinh ra với năng khiếu bẩm sinh trở thành lính thủy đánh bộ mà tất cả đều phải thông qua tập luyện. Đánh giáp lá cà, thần kinh thép và lòng dũng cảm, tất cả đều phải khổ luyện mới đạt được. Một người lính thủy đánh bộ Nga buộc phải có khả năng bắn súng điêu luyện như một xạ thủ số một thế giới và điều khiển bất kỳ phương tiện nào như một chuyên gia.
9. Lái máy bay
Dù là điều khó tin nhưng lính thủy đánh bộ Nga phải biết lái máy bay. Đôi khi thay vì hoạt động dưới biển, họ phải bay lượn trên bầu trời. Năm 2016, lực lượng lính thủy đánh bộ thuộc Hạm đội Biển Đen và Caspian của Nga đã phải thực hiện hơn 22.000 đợt nhảy dù, cả ngày lẫn đêm. Đó là nhiệm vụ, do vậy mỗi người lính luôn phải tự cố gắng mỗi ngày để trở nên tinh nhuệ nhất trong số những lực lượng tinh nhuệ.