Triệu phú USD Robert Kyosaki là một nhà đầu tư, doanh nhân đồng thời là một tác giả vô cùng nổi tiếng. Kiyosaki trở nên đặc biệt nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ cuốn sách Rich Dad, Poor Dad – Cha giàu, Cha nghèo.
Trong cuốn sách, Robert Kyosaki cho người đọc thấy rất nhiều sự khác biệt trong tư duy của người giàu và người nghèo. Chỉ là những sự khác biệt tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực ra nó có thể khiến bạn mãi nghèo hoặc sẽ giàu lên.
Dưới đây là 9 tư duy khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo. Hãy cùng đọc, nghiền ngẫm và tự trả lời câu hỏi mình thuộc tư duy của nhóm người nào nhé:
1. Người nghèo cho rằng: "Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu". Còn người giàu lại bảo rằng: "Thiếu thốn tiền bạc mới là nguồn gốc của mọi điều xấu".
2. Đứng trước một món đồ đắt tiền, người nghèo chỉ biết than thở: “Tôi không bao giờ có thể mua nổi vật đó" còn người giàu thì bị kích thích với câu hỏi: "Làm thế nào để mua được vật đó?".
Đứng trước cùng một sự việc, người nghèo chỉ thấy khó khăn và tự ti cho rằng mình không thể đạt được thành công. Trong khi đó, người giàu nghĩ về mục tiêu và lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đó.
3. Trong quan niệm về việc học, người nghèo nói: "Phải học cho giỏi thì mới được làm việc ở những công ty tốt”. Người giàu thì nói: "Học cho giỏi thì mới mua được những công ty tốt".
Những người bình thường dựa vào chuyên môn nghề nghiệp và làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và thăng tiến trong công việc. Nhưng thật ra những công việc mà họ tự hào thật ra chỉ khiến họ thêm lúng túng trong vòng luẩn quẩn và hiếm có sự bứt phá.
Trong khi đó, người giàu, nếu phải làm việc, họ sẽ không làm việc để kiếm tiền, mà họ sẽ nhắm đến những công việc giúp họ học hỏi những kỹ năng cơ bản của thông minh tài chính.
Một trong những kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của người giàu là kỹ năng giao tiếp với người khác và kỹ năng bán hàng. Chính triệu phú Robert Kiyosaki đã thực hiện đúng việc này. Ông xin vào Marine Corps để học cách lãnh đạo và quản lý một tổ chức, và ông làm việc cho Xerox Corps để học kỹ năng bán hàng.
4. Quy tắc quan trọng về tài chính của người giàu là chỉ mua tài sản chứ không mua tiêu sản. Tài sản được cha giàu định nghĩa là những thứ tạo ra tiền cho mình. Tiêu sản là những thứ lấy tiền của mình.
Về chuyện mua nhà, người nghèo tin rằng: “Ngôi nhà là số đầu tư nhiều nhất và là tài sản lớn nhất”.
Người giàu lại nghĩ khác: "Ngôi nhà cũng là một khoản tiền phải trả, và nếu ngôi nhà là khoản đầu tư lớn nhất của bạn thì bạn gặp rắc rối to rồi".
5. Người nghèo quan tâm đến việc viết một lá đơn xin việc thế nào cho ấn tượng để có thể tìm được việc làm tốt. Người giàu quan tâm đến việc viết ra một dự án kinh doanh tài chính như thế nào để có thể tạo ra công ăn việc làm.
6. Người nghèo luôn nghĩ rằng: “Mình sẽ chẳng bao giờ giàu lên nổi”. Ngược lại, người giàu luôn tin rằng mình giàu có, ngay cả khi thất bại thảm hại bởi một cuộc đầu tư lớn không thành.
Người giàu nói rằng: "Có khác biệt giữa nghèo nàn và phá sản. Phá sản chỉ là tạm thời nhưng nghèo thì vĩnh viễn.
Niềm tin tạo nên hành động. Bạn tin mình nghèo thì bạn sẽ nghèo thật và ngược lại.
7. Người nghèo làm việc vì tiền, người giàu bắt đồng tiền làm việc cho mình. Họ suốt đời làm việc vì tiền bạc mà không biết rõ mình làm việc vì mục đích gì. Và khi người nghèo kiếm ra nhiều tiền thì họ lại mắc nợ nhiều hơn.
Người nghèo bị kiểm soát bởi hai cảm xúc sợ hãi và sự khát khao. Sự sợ hãi không có tiền bắt họ phải làm việc và khi nhận được lương thì họ lại mong muốn những thứ mà họ có thể mua được, và khi đó cuộc đời của họ bị “bẫy” vào một vòng luẩn quẩn: thúc dậy, đi làm, trả hóa đơn, rồi thức dậy, đi làm và trả hóa đơn. Cứ thế vòng luẩn quẩn buộc chặt thời gian và tâm trí của người nghèo.
Ngược lại, người giàu không làm việc để kiếm tiền mà bắt tiền làm việc cho mình. Họ dùng tiền đầu tư để đồng tiền tiếp tục sinh sôi nảy nở
8. Người nghèo khi đi làm thường mang tâm lý trách móc, đổ lỗi cho nhà tuyển dụng, cho thị trường lao động, rằng tại sao họ làm việc vất vả mà lương thấp, phúc lợi không tương xứng.
Người giàu hiểu rằng không thể trải thảm mọi con đường trên mặt đất, mà chỉ có thể bảo vệ đôi chân của mình bằng cách mang giày vào.
Vì vậy, nếu không thể thay đổi người khác, thì phải thay đổi chính mình để thích nghi.
9. Người nghèo luôn trong tình trạng túng thiếu. Họ nghĩ rằng giải pháp là phải được tăng lương, có thêm nguồn thu nhập để có nhiều tiền hơn. Nhưng càng có nhiều tiền hơn, họ lại càng mắc nợ nhiều hơn bởi vì họ rơi vào một cái vòng luẩn quẩn của nỗi sợ và lòng tham.
Họ sợ túng thiếu nên muốn có nhiều tiền, nhưng khi có nhiều tiền hơn họ lại tiêu xài nhiều hơn mức trước đây để rồi rơi vào sợ hãi trở lại.
Người giàu khác người nghèo ở chỗ họ thoát ra được cái vòng luẩn quẩn ấy.