Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sáng 17/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã luôn tin tưởng, đồng hành vào sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Điều này đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực và có ý nghĩa của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam”, Bộ trưởng nêu rõ.
7 yếu tố khiến Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn
Mặc dù hiện nay đang có những khó khăn, thách thức nhưng đã mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Qua đó, Bộ trưởng cũng điểm lại những lợi thế mà Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Thứ nhất, kinh tế chính trị xã hội ổn định, đặc biệt được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Thứ hai, nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Theo đó, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới.
Thứ ba, nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và có chi phí cạnh tranh. Bên cạnh đó, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân giàu tiềm năng và đang tăng nhanh về sức mua. Theo đó, tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số và theo Ngân hàng thế giới, sẽ đạt 50% vào năm 2030.
Thứ tư, đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; đồng thời xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh đất nước; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ năm, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, tiếp tục hoàn thiện.
Thứ sáu, vị trí địa lý chiến lược, trung tâm trong khu vực, chỉ từ 3-5 giờ bay có thể kết nối với các nền kinh tế năng động trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…;
Thứ bảy, sự quan tâm, đồng hành và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn.
Hoạt động kinh doanh của FDI tại Việt Nam khá tích cực
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng dẫn kết quả khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022. Bộ trưởng nói rằng, kết quả cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.
Bên cạnh đó, có tới 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vắc-xin Covid…) ở mức trung bình và cao.
Trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động…
“Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Bộ trưởng nói rằng Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.