Một thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm tuần qua là con số khảo sát cho thấy hơn 90% người dân Hà Nội đồng ý dừng hoạt động xe máy vào năm 2030. Theo kết quả khảo sát 15.000 người dân Hà Nội tại 30 quận, huyện, hơn 90% người dân ủng hộ cấm xe máy vào nội đô. Kết quả này đang gây khá nhiều tranh cãi bởi con số này liệu có đủ đại diện cho ý chí chung của người dân Hà Nội.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (cơ quan nghiên cứu chỉ số PAPI hàng năm) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) để có những góc nhìn thấu đáo về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá sao về kết quả 90% người được khảo sát đồng ý dừng xe máy ở nội đô Hà Nội vào năm 2030?
TS. Đặng Ngọc Dinh: Quan trọng nhất là đơn vị khảo sát phát phiếu và chọn mẫu phát như thế nào. Với nhiều cuộc khảo sát, người tiến hành khảo sát phải trực tiếp theo dõi quá trình trả lời. Nếu việc phát phiếu do tổ dân phố thực hiện và đưa về các gia đình mà những người trả lời các phiếu đó đã về hưu, nhiều tuổi, không có nhu cầu đi xe máy thì đương nhiên họ sẽ đồng ý cấm xe máy để đường thông thoáng. Hoặc người trả lời phiếu là những người ít đi xe máy, họ đồng ý cấm xe máy là điều dễ hiểu.
Thậm chí, họ không những đồng ý đến năm 2030 mới cấm xe máy mà trong một vài năm nữa cấm luôn càng tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ, những người đang hàng ngày phải đi lại, kiếm sống bằng xe máy sẽ không thể dễ dàng đồng ý như vậy bởi thực tế chưa thấy có triển vọng gì về các phương tiện công cộng.
PV: Theo ông, tại sao kết quả công bố lại gây nhiều tranh cãi đến vậy?
TS. Đặng Ngọc Dinh: Theo tôi, nhiều người cho rằng kết quả này sai vì họ thấy việc này không khả thi. Thực tế hiện nay, xe máy đang lưu thông đầy đường Hà Nội mà 12 năm nữa sẽ không còn bóng dáng xe máy nào thì đúng là không khả thi.
Như tôi được biết, các mẫu này được phát ra ở 30 quận, huyện nên thực sự người dân tranh cãi, nghi ngờ kết quả cũng dễ hiểu.
Đặc biệt, xe máy hiện đang là phương tiện di chuyển của đa số người dân ở Hà Nội. Họ chưa nhìn thấy phương tiện nào khác khả thi thay thế cho xe máy ở thời điểm này. Dự án BRT cũng đã xem như “phá sản”. Chính vì thế, người dân nghi ngờ giả định “điều kiện về sự phát triển vận tải hành khách công cộng” đi kèm với việc cấm xe máy khó thành hiện thực cũng dễ hiểu.
PV: Cá nhân ông là người từng tiến hành nhiều cuộc khảo sát lớn có uy tín. Vậy, việc khảo sát lấy ý kiến người dân phải đảm bảo những điều kiện gì để mang tính đại diện và làm cơ sở cho hoạch địch chính sách?
TS. Đặng Ngọc Dinh: Việc tiến hành khảo sát để hoàn thiện các chính sách là đúng. Nhưng khi thực hiện khảo sát, phiếu khảo sát phải thực hiện theo kiểu phát ngẫu nhiên, đại diện cho cấu trúc dân số Hà Nội. Tôi dẫn chứng cụ thể như ở Hà Nội, phải xác định cơ cấu dân số nông dân bao nhiêu, công nhân, trí thức chiếm bao nhiêu, học vấn ra sao… để chọn ngẫu nhiên và phát phiếu. Không nên chọn mẫu theo cơ quan hoặc nhà dân vì nó không đại diện được cho cơ cấu dân số của Hà Nội. Đó là nguyên tắc chọn mẫu.
Việc hoạch định chính sách dựa vào khảo sát lấy ý kiến người dân thì khâu chọn mẫu là cực kỳ quan trọng. Kết quả đó phải đại diện cho dân số ở Hà Nội. Một nguyên lý là dù mẫu phát ra chỉ 10.000 - 15.000 nhưng nó phải “vẽ” được đúng cơ cấu dân số Hà Nội. Cụ thể, các mẫu đó phải chỉ ra được tuổi thế nào, trình độ học vấn ra sao, nghề nghiệp… phải tương đối khớp với cơ cấu, cấu trúc dân số của Hà Nội. Tính chính xác, khách quan, khoa học là ở đấy.
PV: Kết quả khảo sát đang gây tranh cãi nhưng chiến lược phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân chắc chắn khó có thể “chối bỏ” ở các đô thị, thưa ông?
TS. Đặng Ngọc Dinh: Đúng như vậy. Việc đưa ra đích năm 2030 cấm xe máy ở Hà Nội có cái lý và nguyện vọng đúng của cơ quan quản lý.
Nhìn rộng ra các thành phố, đô thị văn minh trên thế giới, người dân chủ yếu đi phương tiện công cộng. Chính vì thế, hướng phát triển ở tương lai xa, xe máy dừng hoạt động là đúng đắn với Việt Nam. Chẳng lẽ người dân cứ đi xe máy mãi ở Hà Nội? Các thành phố lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có đi xe máy nhiều như chúng ta đâu. Họ đi lại bằng phương tiện công cộng, đi xe đạp, thậm chí đi bộ là chủ yếu. Việc hiện đại hóa giao thông là đúng và tự nó sẽ phải đến.
Tôi cho rằng, con số 90% người dân đồng ý cấm xe máy mà kích thích được việc làm đường, mở rộng Metro là tốt. Xu thế người dân dừng lưu thông xe máy ở Hà Nội là đúng đắn. Xu thế đó có thể đến trong 15, 20 năm nữa nhưng theo khảo sát này thì chỉ còn 12 năm nữa. Chính vì thế, Hà Nội muốn theo xu thế này thì bây giờ phải bắt đầu nghĩ tới việc làm Metro và TP.HCM đã làm việc này rồi.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm (thực hiện)