Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh vào hai nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và XII với những điều đặc biệt, lần đầu tiên có trong lịch sử Đảng.
Nhiều đột phá trong công tác cán bộ
Từ khoá XI, cũng là khoá đầu tiên Đảng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược ở cấp Trung ương. Khoá XI được kế thừa, phát triển ở khoá XII nhưng được cải tiến, rút kinh nghiệm thực tiễn rất nhiều với tinh thần làm kỹ lưỡng, làm từng bước, làm từng việc một cách thận trọng, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch hơn và với tư tưởng chỉ đạo là kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.
Ông Nguyễn Đức Hà phân tích: “Tại sao đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lại phải thường xuyên nhấn mạnh cụm từ “kiên quyết không để lọt”, bởi thực tế hai khoá XI và XII đã lọt nhiều quá. Chính vì vậy, 6 hội nghị Trung ương gần đây không có Hội nghị nào mà Trung ương không phải bỏ phiếu kỷ luật chính các cán bộ Trung ương. Từ Hội nghị Trung ương 5, Trung ương 6, 7, 8, 9, 11, đều phải xử lý kỷ luật. Đến bây giờ, gần 20 Uỷ viên Trung ương khoá XI cả nguyên chức và đương chức phải xử lý kỷ luật, trong đó một số phải xử lý bằng pháp luật. Đây là một vấn đề mới mà từ khi có Đảng đến nay chưa bao giờ làm thì đến bây giờ ta đã làm”.
Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên cấp uỷ, lãnh đạo cấp uỷ, lãnh đạo các cấp là việc làm từ xưa đến nay chưa có. Bây giờ, đã lấy phiếu tín nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đối với Quốc hội thì lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ và những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, tại hai nhiệm kỳ gần đây, cũng là lần đầu tiên chúng ta thực hiện được việc xử lý cán bộ, đảng viên. Cả những cán bộ đảng viên vi phạm cách đây 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, bây giờ mới phát hiện ra vẫn phải xử lý. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra quy định xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên có thời hiệu. “Chính bởi vì tư duy nhiệm kỳ xuất hiện trong nhiều năm. Ai cứ nghỉ hưu, chuyển công tác khác coi như đã “hạ cánh an toàn”, giờ không có chuyện đó”, ông Nguyễn Đức Hà nói.
Lần đầu tiên chúng ta có việc tự phê bình từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Rồi lần đầu tiên sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, sau khi Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét kỷ luật cán bộ có kết luận sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, toàn Đảng, toàn dân đều biết. Điều đó vừa có tác dụng răn đe, giáo dục Đảng viên, vừa giải quyết một vấn đề hết sức quan trọng, đó là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, chính vì thế nhân dân mới tin tưởng. Đảng đại diện cho nhân dân nên không có gì phải bí mật. Điều này trước đây không có, chỉ đến hai nhiệm kỳ gần đây mới thực hiện.
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”
“Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, mặc dù từ lúc Bác Hồ nói “Tham nhũng như giặc nội xâm”, trong các văn bản của Đảng, đã có những từ ngữ nặng hơn, ví dụ như “quốc nạn”, sự tồn vong của Đảng, của chế độ… Không còn từ gì mà không dùng. Nhưng rõ ràng cả một thời gian dài chúng ta không làm được, hoặc làm hiệu quả kém. Nhưng hai nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ khoá XII, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được đẩy lên giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và góp phần rất quan trọng để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Chúng ta ngày càng đề cao kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước. Tất cả cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng. Tất cả mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật.
“Câu “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” chúng ta cũng đã nói từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VII, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khoá VIII, chúng ta cũng đã nói nhưng rõ ràng nói như thế nhưng không làm được nên càng mất uy tín. Nhưng giờ đồng chí Tổng Bí thư nói: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền” và Đảng đã làm đúng như vậy. Chính vì thế mới củng cố niềm tin của nhân dân, nhân dân tin tưởng, hưởng ứng, đồng tình. Đây chính là nguồn lực rất to lớn cho Đảng. Sức mạnh của nhân dân”, ông Nguyễn Đức Hà phân tích.
Trước đây, Bác Hồ đã mất ba đêm trắng trước khi ký lệnh tử hình Đại tá Trần Dụ Châu. Đây chính là cách phải chặt một cành cây để cứu một rừng cây. Đến bây giờ đồng chí Tổng Bí thư thường nói: “Chúng ta phải xử lý một số người để cứu muôn người”.
Mỗi lần xử lý kỷ luật các đồng chí Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư đau xót, nghẹn ngào phải thốt lên rằng: “Thật đau lòng nhưng không thể không làm vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, vì sự tối thượng của pháp luật nhà nước, vì sự trong sạch của Đảng và vì ý nguyện của nhân dân”.
Chúng ta đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới. Đây là lời tuyên bố của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Đồng chí cũng đã nói rằng, chúng ta phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Ai chần chừ, do dự, không quyết liệt, không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Bởi vì vấn đề này nếu chúng ta không làm thì sẽ liên quan đến sự tồn vong của Đảng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ ta.
“Hơn 80 cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, cả đương chức và nguyên chức, hơn 20 tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, gần 20 Uỷ viên Trung ương cả đương chức và nguyên chức phải xử lý kỷ luật, một số đồng chí phải xử lý bằng pháp luật”, ông Nguyễn Đức Hà nói.
Chính vì thế, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược càng cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù cán bộ cấp chiến lược không đông, không nhiều, cả nước chỉ trên dưới 600 người nhưng lại có vị trí, vai trò cực kỳ to lớn trong phạm vi nhất định, những thời điểm nhất định, thậm chí đóng vai trò quyết định đến vận mệnh của đất nước. Chính vì thế, Nghị quyết gần đây nhất của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ nhấn rất mạnh về việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Trung ương cũng ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Nêu gương là một trong năm phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây chính là mục tiêu chúng ta đặt ra và sau này nêu gương phải trở thành nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nhiều lần nói, mối quan hệ Đảng-Dân đã bị gặm nhấm, bị phôi pha, xói mòn. “Chính những cái đó tiềm ẩn nguy cơ đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu không có dân thì Đảng lãnh đạo ai? Đây không chỉ là truyền thống của Đảng ta, không chỉ là bài học kinh nghiệm của Đảng trong suốt 90 năm qua mà còn là bài học kinh nghiệm có chiều sâu lịch sử”, ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ.
Trước đây, thực tiễn lịch sử của dân tộc ta đã chứng minh rất rõ, có biết bao nhiêu triều đại phong kiến, nếu vương triều nào biết dựa vào dân, thu phục được nhân tâm, biết phát huy sức mạnh của nhân dân và cũng chăm lo đến đời sống vật chất của người dân thì vương triều đó tồn tại lâu dài và đất nước phát triển.
Triều Lý 8 đời vua Lý đã có những vua sáng, tôi hiền, trị vì đất nước 214 năm. Rồi tiếp theo là nhà Trần với 14 đời vua trị vì đất nước 175 năm, ba lần đánh thắng quân Nguyên-Mông, đất nước phát triển rực rỡ.
Từ thực tiễn lịch sử đó, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã tâm niệm rằng “Sức dân như sức nước, nước vừa nâng thuyền nhưng nước cũng lật thuyền”. Còn Bác Hồ cũng tổng kết rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
“Thế mà một thời gian chúng ta để mối quan hệ Đảng-Dân bị gặm nhấm, bị phôi pha, bị xói mòn. Đây chính là làm tổn hại đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Chính vì thế mà bây giờ Bộ Chính trị đã phải có nhiều quy định, chủ trương để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát huy trách nhiệm người dân. Đảng phải thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ. Đây là những vấn đề rất lớn mà càng nhìn lại chiều sâu lịch sử 90 năm của Đảng chúng ta càng nhìn thấy những bài học thực tiễn rất phong phú”, ông Nguyễn Đức Hà nói.
90 năm – Ba pho lịch sử bằng vàng
Chúng ta nhớ lại năm 1960, tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Bác Hồ đã nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là độc lập, thống nhất, hoà bình, ấm no. Công ơn của Đảng thật là to. 30 năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
“Như vậy, 30 năm Đảng ta đã được coi là một pho lịch sử bằng vàng, bây giờ 90 năm thành lập Đảng, thì chúng ta hiểu rằng lịch sử Đảng bây giờ là ba pho lịch sử bằng vàng. Nói vui như vậy để hiểu rằng 90 năm qua lịch sử Đảng không có giấy bút nào viết lên được. Đảng ta đã đưa đất nước, đưa dân tộc Việt Nam từ kiếp nô lệ lầm than trở thành người làm chủ vận mệnh đất nước của mình. Đưa đất nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên tuổi trên bản đồ thế giới trở thành một nước XHCN mà cả thế giới đều ngưỡng mộ. Không phải bây giờ, ngay từ thời chống Mỹ đã có nhiều người nước ngoài tâm niệm, mong ước rằng sau một đêm ngủ dậy trở thành người Việt Nam. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ một điều rằng, Bác Hồ đã tổng kết cả cuộc đời hoạt động của mình: “Một Đảng, một dân tộc và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, được mọi người suy tôn, kính trọng, không nhất thiết ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, kính trọng nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”, ông Nguyễn Đức Hà phân tích.
“Như vậy, dân tộc ta cũng đã một thời lừng lẫy, một thời vàng son, một thời mà người nước ngoài mong muốn, mơ ước là người Việt Nam, nhưng nếu chúng ta cứ nghèo, đời sống của nhân dân vẫn khó khăn thì không ai nhắc đến tên Việt Nam nữa. Chính vì lẽ đó, Đảng ta đã phải tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc Đổi mới. Đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện ở đất nước chúng ta, là một cuộc cách mạng đầy cam go, vừa làm vừa mở đường, khai lối”, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Rõ ràng, gần 35 năm đổi mới vừa qua, đất nước ta đã “thay da, đổi thịt” từng ngày. Đời sống nhân dân đã trở nên “một trời, một vực”, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chưa bao giờ đất nước ta có vị thế, cơ đồ và uy tín trên trường quốc tế như ngày hôm nay”. Đây là thực tiễn mà không thể ai phủ nhận được. Đặc biệt trong tư duy lý luận và nhận thức của Đảng ta về vấn đề chỉnh đốn Đảng là một sự phát triển vượt bậc về nhận thức, tư duy, lý luận của Đảng ta.
Đến bây giờ Đảng ta đã nhận thức sâu sắc hơn, cụ thể hơn, toàn diện hơn, đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
“Tất nhiên phải hiểu rằng trong xây dựng có chỉnh đốn, trong chỉnh đốn có xây dựng, giữa xây dựng và chỉnh đốn thì xây dựng là nhiệm cơ bản, chiến lược, lâu dài. Còn đối với chỉnh đốn, trong lúc này đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách”, ông Nguyễn Đức Hà nói.
Ngay cả việc đánh giá cán bộ, trong các văn kiện của Đảng cũng đều thẳng thắn rằng đánh giá cán bộ là một khâu yếu và khó nhất hiện nay. “Đánh giá cán bộ bây giờ phải theo tinh thần mới, đánh giá liên tục, xuyên suốt, đánh giá theo tiêu chí, đánh giá đa chiều, đánh giá bằng sản phẩm, đánh giá có so sánh với các chức danh tương đương và muốn đánh giá phải thông qua khảo sát cụ thể. Cuối cùng đánh giá cho đúng người, đúng việc, bố trí, chọn cho đúng người, đúng việc”, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định chỉ có đánh giá đúng, bố trí đúng cán bộ mới mới nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng trong lịch sử phát triển tiếp theo của mình. Chọn sai cán bộ sẽ ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng.
Theo Nhật Nam/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ