Thánh địa vàng và quãng đời nghiện
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, vợ chồng anh Phan Văn Kha (SN 1980) và chị Huỳnh Thị Hà (cùng xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đang đùa nghịch với đứa con trai bé bỏng của mình. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của đôi vợ chồng trẻ, minh chứng cho một điều "tình yêu, tình thương luôn làm nên những điều kỳ diệu".
Anh Kha với cuộc chiến đấu 90 ngày đêm để cự tuyệt hoàn toàn với "cái chết trắng" được người dân khắp tỉnh Quảng Nam xem như một kỳ tích. Anh đã trở về với bản tính hiền lành chất phác vốn có, quyết chí làm lại cuộc đời sau ngày tháng đằng đẵng sống trong nghiện ngập. Giờ đây anh cố gắng làm lụng để bù đắp cho vợ con yêu thương của mình.
Anh Kha tâm sự: "Tôi có tuổi thơ không được êm ấm như bao gia đình khác. Việc mẹ ra đi đột ngột khi tôi 10 tuổi khiến tuổi thơ ngập chìm trong nỗi buồn. Chưa dừng lại, cha tôi bất ngờ đi bước nữa khiến tôi vô cùng hụt hẫng. Việc thiếu vắng vòng tay của mẹ, sự che chở của cha, nên tôi phải tự lo cho cuộc đời mình cùng đứa em gái. Tuổi thơ đi qua khi chưa kịp tới trường, tôi đã lao vào cuộc sống mưu sinh đầy gian nan vất vả".
Năm 1998, anh Kha bước vào tuổi 20, cái tuổi đầy hoài bão, ước mơ muốn thay đổi số phận. Năm đó, huyện miền núi Tiên Sơn nổi lên như một thánh địa vàng. Những đoàn người kéo vào rừng tìm vận may để thay đổi cuộc đời. Anh cơm nắm cơm đùm theo bước chân của những người đi tìm kiếm vận may nơi rừng thiêng, nước độc.
Nghề đãi vàng vất vả hơn bao nhiêu nghề khác. Hằng ngày, họ phải chui xuống hàng trăm mét dưới lòng đất, đôi khi đánh đổi cả tính mạng để có những đồng lương bèo bọt. Anh Kha kể lại: "Để có thêm "dũng khí" chui xuống hầm sâu, những người "phu vàng" được ông chủ bãi vàng đưa cho "tép" ma túy hít để "tăng sinh lực".
Ban đầu hít, rồi chích, cứ thế anh Kha và những người bạn "đồng nghiệp" trượt dài trong nghiện ngập. Những đồng tiền cõm cõi tối ngày trong hố sâu đãi vàng, chỉ thỏa mãn những cơn phê thuốc. Như một bài toán kinh doanh ác độc, các ông chủ bãi vàng đã trói chân các "phu vàng" bằng "cái chết trắng".
Anh Kha đã từ bỏ ma tuý, tu chí làm ăn và yêu thương vợ con.
Sau nhiều năm lăn lộn nơi rừng sâu nước độc, sống chung với "nàng tiên nâu". Năm 2007, anh Kha với bộ dạng "thân tàn ma dại", mình đầy hình xăm trổ, thất thểu bước về làng. Khi biết anh là con nghiện, người dân đều... xa lánh khiến anh bỗng bừng tỉnh trước hoàn cảnh bi đát của mình.
Anh Kha cười chia sẻ: "Tôi đi đến đâu, người dân chỉ trỏ, bàn tán đến đó. Tôi đến gần, họ xích ra xa. Tôi đang trong tình cảnh khốn quẫn, lại chứng kiến cảnh đó nên trong lòng rất buồn. Nhưng trong nỗi đau vẫn có niềm vui, bởi có một người con gái vẫn "dám" lại tiếp xúc, trò chuyện với tôi. Và từ đó chúng tôi trở thành vợ chồng".
Bẽn lẽn chia sẻ với chúng tôi, chị Hà cho biết: "Tôi không biết sao nữa, chỉ thấy anh hiền lành, ít nói, rồi yêu khi nào không hay. Khi biết tin chúng tôi yêu nhau và đi đến kết hôn, gia đình và họ hàng cấm đoán ghê lắm. Người thân bảo tôi lấy cái thằng đó (anh Kha - PV) con chỉ khổ suốt đời thôi con ạ. Mặc cho mọi sự ngăn cấm, ngọn lửa tình yêu vẫn bùng cháy". Thế là, đám cưới diễn ra trong bàn tán xôn xao của bà con lối xóm.
Nhiều người dân ác miệng còn nói thẳng chị Hà: "Con này đui hay sao mà chui vào đó". Bỏ ngoài tai những điều đàm tiếu, những lời dị nghị, chị Hà và anh Kha tổ chức đám cưới với vài ba mâm cơm do nhà gái chuẩn bị. Sau đó, anh Kha và chị Hà có đứa con đầu lòng ra đời.
Để nuôi con, anh Kha chấp nhận trở lại nghề phu vàng để kiếm tiền nuôi con. Sau đó, anh Kha cứ miền miệt đi phu vàng từ mỏ vàng này đến mỏ vàng kia. Những tháng đầu, anh Kha còn gửi tiền về cho chị Hà nuôi con, sau đó thì bặt vô âm tín.
Tiếng con khóc đòi sữa như tiếng sấm thức tỉnh lương tri
Năm 2008, anh quay về lại lao đầu cùng những bạn nghiện. Bất chấp tất cả để thỏa mãn cho những khoái lạc của mình. Những vật dụng trong nhà như xoong nồi, chảo chậu... lần lượt "đội nón" ra đi. Chị Hà nhớ lại cho hay: "Lúc ấy, căn nhà trống hoác, anh cũng đòi đem bán, nhưng chẳng ai dám mua. Bởi vì họ mua nhà rồi, mẹ con tôi sẽ sống ở đâu. Rồi anh lại cất bước ra đi, đi để kiếm tiền, để thỏa mãn nhưng cơn phê thuốc. Nhưng đi mãi cũng chán, lại quay về".
Gần tết năm 2009, hàng xóm gọi nhau í ới đi sắm tết. Nhà anh Kha chẳng còn gì quý giá. Để có bữa cơm, chị Hà phải lọ mọ đi vay của hàng xóm. Anh Kha giãi bày: "Lúc nửa đêm, đứa con trai chưa thôi nôi khóc ròng vì đói sữa. Vợ dỗ miết mà không chịu nín. Đột nhiên trong đầu tôi nghĩ phải thay đổi. Tôi trằn trọc cả đêm vì những gì mình đã làm và thấy có lỗi với vợ con vô cùng.
Ngày anh lên đường "chiến đấu" với "cái chết trắng", chị Hà "vội đùm nắm cơm nhỏ trong chiếc lá chuối khô, vài cân gạo" để anh mang theo. Nơi anh Kha chọn là khu vực Suối Dưa ở xã Tiên Phước, nơi hẻo lánh, ít người qua lại. Dựng lán bên cạnh một hố bom cũ. Hằng ngày, anh Kha cùng với chiếc máy rà sắt anh mua từ khi có ý tưởng cai nghiện để rà tìm phế liệu còn sót lại trong chiến tranh để mưu sinh.
Nhưng những cơn nghiện liên tục ập đến khiến anh Kha như ngã quỵ trong đau đớn, vật vã. Anh Kha tâm sự: "Mỗi khi lên cơn tôi lại lao đến hố bom, dầm mình, vật lộn, kêu than. Mỗi lần như thế, tôi lại ở dưới hố bom hàng giờ đồng hồ mới qua cơn được. Sau đó, tôi lồm cồm bò ra khỏi hố bom để thở, hít khí trời".
Cứ hai tuần, chị Hà lại gửi con cho ông bà ngoại. Với chiếc xe đạp cọc cạch, chị đi hằng trăm cây số đường rừng lên thăm anh. Chuyến đi nào cũng vậy, chị Hà đều mang theo ít gạo, mắm muối dưa cà cho anh ăn trong những ngày cai nghiện. Có mẹ con là "hậu phương" vững chắc nên anh Kha càng quyết tâm hơn trong cuộc "chiến đấu" với "cái chết trắng".
Chị Hà cho hay: "Tôi nhiều bận lên thăm, anh lên cơn rồi lao mình dưới hố bom, gào thét vang vọng trong núi rừng. Lòng tôi quặn thắt nỗi đau. Tôi nghĩ có lẽ tiếng kêu gào nơi rừng thiêng nước độc cũng hiểu được nguyện vọng và khao khát quay về làm lại cuộc đời của anh".
Sau 90 ngày đêm chiến đấu với "cái chết trắng", anh trở về như một người hoàn toàn khác lạ. Anh hết mực yêu thương vợ con. Gia đình trở lại tiếng cười sau nhiều năm vắng bóng. Anh lên kế hoạch xây dựng kinh tế cho gia đình mình. Được người thân tặng 3 hecta vườn đồi để làm kinh tế, cứ sáng sớm là anh lại cơm nắm cơm đùm cùng với cái xe đạp cà tàng đi làm.
Anh Kha tâm sự: "Giờ đây, đi làm bằng mồ hôi, công sức của mình, tôi thấy tôi làm khổ vợ con nhiều quá. Tuổi trẻ của tôi sai lầm mà đi vào nghiện ngập, đứa con thiếu vắng sự thương yêu của người cha bao năm nay. Tôi hứa sẽ nuôi dạy con học hành tử tế. Sau này làm người có ích cho gia đình và xã hội".
Hoàng Sơn