Con số hơn 90% người dân được khảo sát đồng ý dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030 ở nội đô Hà Nội đang gây khá nhiều tranh cãi.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH Hà Nội) để có thêm góc nhìn về kết quả này.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng: “Nếu như điều kiện giả định trong phiếu khảo sát là năm 2030, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, đảm bảo mỗi người tiếp cận nó tiện nghi nhất thì đương nhiên người dân không có lý gì không đồng ý. Bởi lúc đó, không ai muốn sử dụng xe cá nhân làm gì. Đường sạch đẹp khang trang, phương tiện công cộng hiện đại, tiện lợi thì con số 90% là điều dễ hiểu.
Quan trọng nhất là giả thiết đó chúng ta có làm được hay không. Nếu chúng ta không đạt được chuẩn như vậy thì đương nhiên người dân sẽ không chấp nhận đánh đổi xe cá nhân. Kết quả đó chỉ chính xác và thuyết phục khi chúng ta đưa giả định đúng".
Cũng theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, một thực tế dễ nhận ra là người dân sử dụng xe cá nhân, trong đó chủ yếu là xe máy vì phương tiện công cộng không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không vào được gần nơi dân sinh sống.
"Nếu sau này, các nhà quản lý cải tạo được thành phố, không còn ngõ ngách, không còn các khu ổ chuột nữa, chỗ nào phương tiện giao thông công cộng cũng tiếp cận được, không còn chen lấn, tệ nạn như hiện nay thì người dân tội gì không sử dụng phương tiện công cộng. Giả định đó phải là hiện thực, còn nếu khó thành hiện thực thì người dân không tin kết quả là dễ hiểu.
Điều mà người dân nghi ngờ là các thông tin giả định ở trên không rõ ràng. Điều kiện để các giả định thành hiện thực không rõ ràng mà đơn vị khảo sát đưa ra kết quả 90% người dân đồng ý dừng xe máy vào năm 2030 là con số không phản ánh đúng ý chí của đông đảo người dân.
Tôi giả định là nếu chúng ta làm cuộc khảo sát hỏi ý kiến người dân “bạn có tin vào năm 2030 phương tiện công cộng thay thế hoàn toàn xe cá nhân không?”. Tôi tin rằng kết quả sẽ khác. Tôi nghĩ rằng ở đây là do cách hỏi, kiểu hỏi, mẫu nên khó có thể đánh giá được con số này nói lên điều gì”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Dừng xe máy kèm theo điều kiện Lý giải với các cơ quan báo chí, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng viện Chiến lược và Phát triển GTVT chia sẻ: “Chúng tôi đã phát đi ngẫu nhiên hơn 16.000 phiếu khảo sát và thu về hơn 15.000 phiếu. Tuy nhiên, khảo sát này kèm theo điều kiện về sự phát triển vận tải hành khách công cộng chứ không riêng yêu cầu cấm xe máy. Đối tượng phát phiếu khảo sát ý kiến bao gồm cả người lao động tự do, cán bộ, công nhân, viên chức… Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phối hợp với sở GTVT Hà Nội và cảnh sát khu vực các phường trên 30 quận, huyện để phát cho người dân. Phiếu phát ra cho người dân có địa chỉ cụ thể, chúng tôi không khai man, không tự “bốc thuốc” ”. |
Đỗ Thơm