Đó là số liệu trích trong một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) về thực trạng trẻ em đường phố bị xâm hại tình dục và lạm dụng chất gây nghiện tại TP.HCM. Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ dự án “Vì tương lai tươi sáng hơn” do tổ chức NGO Fontana – Đan Mạch hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.
Xâm hại tình dục không chỉ gây tổn thương tới các em về mặt thể chất mà còn ở mặt tinh thần. Các em chịu tổn thương về mặt tâm lý trong một thời gian dài, không chia sẻ được, các em có những hành động tiêu cực như tự làm đau bản thân: “rạch tay”, có tâm lý muốn “tự tử”.
98.3% đã từng thử một hoặc nhiều chất gây nghiện như rượu/bia; thuốc lá; cần sa; heroin; methamphetamine (đá); MDMA (thuốc lắc); keo hay tân dược. Nhiều em sử dụng các chất gây nghiện từ khi còn rất nhỏ, hầu hết nằm trong độ tuổi từ 12–13. Nhiều lý do để các em sử dụng các chất: sự sẵn trong môi trường đường phố hay tác động của những người xung quanh, áp lực nhóm hay để quên đi nỗi buồn cũng là một trong nguyên nhân chính.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, cho đến nay, không có nhiều chương trình hay các dịch vụ hỗ trợ các em về vấn đề này. Hơn nữa, hiệu quả từ những chương trình, tổ chức hỗ trợ hiện đang có dường như vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ và phù hợp cho trẻ em đường phố.
Vì vậy, ngày 7/10/2013, MSD phối hợp với tổ chức NGO Fontana – Đan Mạch tổ chức hội thảo: “Huy động sự tham gia hành động vì trẻ em bị xâm hại tình dục và lạm dụng chất gây nghiện”.
Hội thảo sẽ cung cấp thông tin về thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục và lạm dụng chất gây nghiện ở Việt Nam nói chung và trong nhóm trẻ em đường phố tại TP.HCM nói riêng. Qua đó, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong việc hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục và lạm dụng chất gây nghiện và cơ hội của các tổ chức xã hội trong hoạt động vận động chính sách bảo vệ trẻ em.
Hội thảo bắt đầu từ 8h30 – 16h30 ngày 7/10 tại tầng 2, nhà A, trường Đại học Văn hoá, 418 đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tiểu Phong