Doanh nghiệp thờ ơ
Luật cạnh tranh được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Với 6 chương, 123 Điều, Luật cạnh tranh có vai trò góp phần làm cho thị trường ngày càng lành mạnh hơn; hạn chế những hành vi phản cạnh tranh trong kinh doanh, gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, cộng đồng và người tiêu dùng.
Mới đây, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã báo cáo khảo sát doanh nghiệp và phỏng vấn chuyên gia về pháp luật cạnh tranh Việt Nam. Theo đó, trong số 500 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 1,6% doanh nghiệp "hiểu rất rõ" Luật cạnh tranh, trong khi đó có tới 92,8% doanh nghiệp "chưa hiểu rõ" về luật này. Ngoài ra, có 73,2% doanh nghiệp không có bộ phận pháp chế nói chung, chỉ 26,8% có đơn vị riêng phụ trách việc tuân thủ pháp luật (bao gồm Luật cạnh tranh); có 30,6% doanh nghiệp được khảo sát chưa từng biết đến Cục Quản lý cạnh tranh cho tới khi được hỏi. Từ những con số trên, nhiều chuyên gia nhận định, dù đã qua bảy năm nhưng luật Cạnh tranh vẫn còn rất mờ nhạt trong cộng đồng các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành cũng đã cho thấy, luật bộc lộ không ít vướng mắc.
Trao đổi với PV, ông Vũ Đình Ánh, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) đã có những nhìn nhận hết sức sâu sắc: "Kết quả khảo sát trên phản ánh đúng thực trạng thực thi luật Cạnh tranh ở Việt Nam. Đối với nhiều doanh nghiệp, luật Cạnh tranh còn đang tồn tại ở mức độ hình thức, họ chưa biết áp dụng luật vào đâu, áp dụng như thế nào. Bên cạnh đó, các cơ quan hoạch định luật, triển khai cũng như giám sát và xử lý các hoạt động trong khuôn khổ điều chỉnh của luật đều thiếu. Chúng ta mới chỉ đề ra luật, còn để triển khai luật này không đơn giản, bởi nó còn có cả hệ thống thể chế đi theo".
Đối với nhiều doanh nghiệp, luật Cạnh tranh hiện vẫn còn rất "mới"
Nhìn nhận từ góc độ các doanh nghiệp, ông Ánh cho hay, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến luật khi nó liên quan quyền lợi sát sườn và nghĩa vụ họ phải thực hiện. Hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan, thị trường phân chia một cách tự phát… nên doanh nghiệp chưa thấy vai trò của luật ở đó. Trên thực tế, không có nhiều trường hợp sai phạm bị xử lý nên các doanh nghiệp vẫn xem đó là một điều gì đó rất xa vời. "Luật Cạnh tranh gắn với thị trường, khi thị trường phát triển lên một mức độ nhất định thì cần phải có Luật cạnh tranh và chống độc quyền để điều chỉnh. Tuy nhiên, ở thị trường của ta, Luật cạnh tranh vẫn chưa được thực thi đúng nghĩa và chưa phát huy được vai trò của nó" - ông Ánh nhận định.
Nhìn nhận từ một góc độ khác, vị giám đốc công ty chuyên sản xuất máy phát điện (đề nghị được giấu tên) cho hay, nhiều công ty còn chưa nắm rõ về hành vi vi phạm Luật cạnh tranh, không phân biệt được hành vi đó với hành vi bán phá giá. Ngoài ra, thủ tục khiếu nại phiền phức cũng khiến các doanh nghiệp e ngại. Chẳng hạn như, phí khởi kiện đối với các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh là 10 triệu đồng, với các hành vi hạn chế cạnh tranh là 100 triệu đồng… là con số đáng suy nghĩ, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
...Không biết mình vi phạm
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Kết quả khảo sát trên quả thực rất bất ngờ. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền luật pháp nói chung và luật Cạnh tranh nói riêng của ta chưa đạt. Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức chấp hành các điều luật mà mình phải thi hành. Tôi nghĩ con số 92,8% doanh nghiệp chưa nắm rõ luật Cạnh tranh đó là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà những doanh nghiệp nhỏ và vừa thường họ ít để ý đến luật này. Cụ thể, họ không quan tâm đến những khía cạnh liên quan đến thương hiệu, sản phẩm, độc quyền... 1,6% doanh nghiệp nắm rất rõ kia là những doanh nghiệp lớn nên họ quan tâm và muốn phát triển, buộc hỏi phải hiểu về luật Cạnh tranh".
Đánh giá về vai trò của Luật cạnh tranh đối với sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, ông Phong nhận định: "Thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sẽ xuất hiện nhiều tình huống độc quyền mang tính chất kinh tế, lúc đó các doanh nghiệp sẽ phải quan tâm hơn nếu không muốn bị o ép trong quá trình hoạt động của mình. Nếu các doanh nghiệp không nhận thức được điều đó, không thông qua các hiệp hội hoặc các cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ mình thì sẽ bị các doanh nghiệp khác chi phối".
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (công ty luật Hợp danh Thiên Thanh) đánh giá: Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ quan tâm những luật trực tiếp điều chỉnh đến hoạt động của họ như Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành, Luật cạnh tranh hầu như, họ không biết, thậm chí là không có khái niệm về việc có luật đó. Việc Luật cạnh tranh không được biết đến đang phổ biến như khảo sát cũng như thực tế của nó đã chỉ ra rất rõ sự yếu kém trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, Cục Quản lý cạnh canh (Bộ Công thương) hiện chưa làm được những việc như kỳ vọng và yêu cầu của Luật cạnh tranh. Việc thực thi Luật cạnh tranh chỉ có thể phát huy được các thế mạnh của nó, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm.
Cũng theo LS Truyền, việc chưa hiểu về Luật cạnh tranh sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Khi không hiểu luật Cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ không phòng ngừa, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những hành vi xâm hại. Các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp, làm giảm doanh thu, thu hẹp thị trường kinh doanh của doanh nghiệp… Sự không hiểu biết về pháp luật cạnh tranh còn có thể dẫn tới hậu quả là chính doanh nghiệp đó vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Và, khi có tranh chấp xảy ra thì tốn kém thời gian, tiền bạc cho việc giải quyết tranh chấp hoặc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ví dụ, doanh nghiệp sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu của doanh nghiệp khác đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu sẽ bị xử phạt hành chính, ngoài ra phải bồi thường cho doanh nghiệp bị vi phạm nếu có thiệt hại xảy ra.
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Hoàng Lĩnh (đoàn Luật sư TP.Hải Phòng) cho rằng, ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh họ không quan tâm đến vấn đề cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng có một lĩnh vực ngành nghề bị điều chỉnh như thế nào trong quy định của pháp luật. Đối với các doanh nhân, họ chưa hề có khái niệm rằng đối với những hành vi cụ thể nào thì vi phạm luật và phải bồi thường hành chính hay chịu trách nhiệm trước pháp luật ra sao.
Bàn về giải pháp cho vấn đề này, luật sư Hoàng Lĩnh cho rằng, các hành vi liên quan đến vi phạm luật Cạnh tranh mà không nêu ra và không được xử lý thì đương nhiên các doanh nghiệp sẽ vẫn không có ý thức về luật này. Bên cạnh việc rà soát lại những điểm bất cập của luật này, chúng ta cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để luật Cạnh tranh dần dần đi vào cuộc sống. Ngoài ra, các thủ tục khi doanh nghiệp muốn khiếu nại cũng cần phải đơn giản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các cơ quan liên quan.
Thành Huế - Hồng Dương