Keith Ding, nhân viên của một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc cho biết văn hóa làm việc khét tiếng “996” có nghĩa là các nhân viên sẽ ở văn phòng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày một tuần. Văn hóa làm việc kiểu này được cho là sẽ ngày càng lan rộng hơn.
“Làm việc đến 10 giờ tối là chuẩn mực mới. Đây là khoảng thời gian khó gọi taxi nhất vì rất nhiều người khác cũng đang cố gắng bắt xe cùng một lúc”, một người quản lý dự án ở Thâm Quyến cho biết. “Giờ làm việc tự nguyện vào cuối tuần cũng rất phổ biến vì hầu hết mọi người chọn làm việc ít nhất một ngày ở nhà”.
Kéo dài thời gian làm việc từ lâu đã là một quy tắc bất thành văn ở Trung Quốc và đây được coi là một cách để thể hiện văn hóa làm việc và chứng minh sự cống hiến trong công việc của người lao động.
“Các ông chủ làm việc thậm chí còn hơn cả chuẩn mực 996 như vậy. Làm thế nào tôi có thể rời đi nếu trưởng nhóm của tôi vẫn còn ở đó?”, Ding nói. “Không chỉ có vậy, chúng tôi luôn bị quá tải với nhiều công việc tồn đọng mà không bao giờ có thể hoàn thành trừ khi làm thêm giờ hoặc làm vào cuối tuần”.
Việc ngừng tuyển dụng và sa thải nhân công hiện đang lan rộng trong ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc có thể khiến tình hình tồi tệ hơn, Ding nói. “Mọi người thường ngầm hiểu với nhau là cần làm việc chăm chỉ hơn nữa chỉ để giữ công việc của mình”.
Cuộc tranh luận về thời gian làm việc kéo dài đã bùng nổ sau khi Zhu Ning, người sáng lập và là giám đốc điều hành của công ty thương mại điện tử Youzan kêu gọi tất cả nhân viên tuân thủ văn hóa làm việc 996. Những bình luận của anh trên WeChat dưới bút danh Bai Ya đã lan truyền vào cuối tuần qua.
“Nếu bạn cảm thấy không có áp lực làm việc tại một công ty, bạn nên rời đi vì chủ nhân của bạn sắp phá sản. Nếu bạn cảm thấy không có áp lực tại bộ phận của mình, bạn nên yêu cầu chuyển công việc của bạn vì nó sắp đóng cửa”, Zhu Ning viết.
Zhu nói rằng tại công ty của anh, bộ phận nhân sự sẽ thông báo cho những người ứng viên mới rằng làm việc tại Youzan sẽ “phải chịu áp lực rất lớn, nhiều người đã coi làm việc trong một thời gian dài như một thói quen và không thể phân biệt được cuộc sống và công việc”.
Youzan không phải là công ty duy nhất tại đại lục yêu cầu nhân viên của mình cần cố gắng hơn giữa thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái. “Chỉ khi trời trở lạnh, chúng ta mới thấy được phẩm chất của cây thông và cây bách”, giám đốc điều hành của Baidu, Robin Li Yanhong đã viết trong một lá thư gửi nhân viên trong ngày làm việc đầu tiên của năm.
Theo Liu Guohong, người đứng đầu Viện phát triển Trung Quốc, một số doanh nhân nước này vẫn tin rằng thành công phụ thuộc vào thời gian làm việc dài và hà tiện với lợi ích của nhân viên.
“Giờ làm việc lâu dài và thu hẹp lợi ích tại một số công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc có thể là một sự phản ánh của môi trường kinh tế khiến nhiều người e ngại hiện tại”, ông Liu cho biết. “Tất cả các công ty Trung Quốc không cần thiết phải học hỏi văn hóa làm việc cực kỳ căng thẳng của Huawei. Huawei thành công nhưng nó không phải là cách làm duy nhất để được thành công trên thế giới”.
Đối với một số công ty khởi nghiệp, “996” có thể là điều không thể tránh khỏi vì họ cần tung ra sản phẩm nhanh nhất có thể để cạnh tranh với các đối thủ hoặc họ sẽ mất cơ hội vàng. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các công ty nên xem xét đi theo “văn hóa 996”, đặc biệt là những công ty trưởng thành và phát triển tốt.
Đối với Ding - nhân viên công nghệ tại Thâm Quyến - anh cho rằng mọi thứ không tệ đến vậy. “Mặc dù cảm thấy mệt mỏi về tinh thần và thể chất mọi lúc nhưng chúng tôi được trả lương cao hơn hầu hết những người khác trong ngành, vì vậy tốt hơn không nên phàn nàn về thời gian làm việc quá nhiều”, Ding nói.
Mới đây, thậm chí truyền thông Trung Quốc đã đề cập đến một văn hóa làm việc mới là “007”, nghĩa là làm việc từ 00:00 sáng đến 00:00 tối, 7 ngày một tuần.
Kiều Trang