Bình đẳng giới phải từ... giới trẻ?
Buổi triển lãm mang tên "Nước mắt cười" đã thu hút rất nhiều khán giả và các bạn trẻ đến từ các trường đại học. Họ đến để tham quan và chia sẻ những hiểu biết của mình về bình đẳng giới, về cách ứng xử với những người phụ nữ trong gia đình. Từ trước đến nay, nhiều người cho rằng, việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ và đấy chính là sự đóng góp của họ cho nền kinh tế.
Phụ nữ và trẻ em gái thường được xem với vai trò của những người làm việc nhà, điều này làm cho quyền của họ bị suy yếu và bị đánh giá thấp. Vì thế, buổi triển lãm đã có tác động không nhỏ đến người xem, đặc biệt là giới trẻ, bởi hơn ai hết, những người phụ nữ trong gia đình rất cần sự chia sẻ, cảm thông để cùng chồng gánh vác việc nhà.
Chị Hồ Thu Thủy (nhà xuất bản Giáo dục) cho biết: "Cũng như nam giới, phụ nữ cũng phải tám tiếng làm việc ở cơ quan. Có hôm, công việc căng thẳng, mệt mỏi nhưng vẫn phải làm tất cả mọi việc nhà từ đón con, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ… và những việc không tên khác mà ít khi nhận được sự chia sẻ của người chồng. Có anh chồng đi làm về là ngồi vắt chân đọc báo, xem tivi, hay sang hàng xóm chơi cờ tướng, trong khi để mình vợ xoay xở với nhiều việc… Những người phụ nữ như chúng tôi cần một sự sẻ chia, để đỡ cảm thấy áp lực trong cuộc sống…".
Nhiều người phụ nữ cho rằng, họ muốn người đàn ông của mình chia sẻ việc nhà không phải vì lười mà họ cần một sự cảm thông, sẻ chia từ trong ý thức. Bình đẳng giới là hướng tới một xã hội văn minh, trong đó, phụ nữ cũng muốn được đối xử và làm việc như nam giới. Không chỉ ở nông thôn mà ngay cả ở thành phố, phụ nữ với gánh nặng việc nhà đã làm cho sự phân bố lao động không đồng đều, dẫn tới lãng phí và thất thoát kinh tế cho xã hội.
Nhiều bạn trẻ quan tâm đến bình đẳng giới
Nhiều bạn trẻ tới tham quan tại đây đặc biệt quan tâm đến những thước phim nói về bình đẳng giới trong gia đình. Ban tổ chức cũng hy vọng rằng, những hình ảnh này sẽ tác động đến ý thức và tư duy của những người trẻ để họ có cái nhìn mới về vai trò và sự sẻ chia của người đàn ông trong mỗi ngôi nhà. Bởi, chính họ sẽ là những người bố, người mẹ tương lai, nhận thức đầy đủ về vai trò của người phụ nữ và bình đẳng giới hôm nay, sẽ làm cho cuộc sống của họ trong tương lai hạnh phúc hơn.
Đây cũng là một thách thức cho những định kiến về phụ nữ hàng nghìn đời nay về viêc nhà. Qua những thước phim ngắn, nhiều bạn nam trẻ cũng cho biết, họ đã hiểu hơn về những vất vả mà mẹ và chị em gái trong nhà đang làm và sẵn sàng chia sẻ việc nhà với phái yếu.
Nguyễn Thành Nam (khoa Tâm lý học, trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho biết: "Chiến dịch quốc gia năm 2012 về bình đẳng giới với chủ đề "Phụ nữ và các công việc nhà không được trả công", trong đó có triển lãm "Nước mắt cười" là những hoạt động xã hội có ý nghĩa, mang thông điệp chia sẻ tới từng ngõ phố, từng ngôi nhà. Là những người trẻ nên bọn em hiểu rằng, thay đổi nhận thức ngay hôm nay chính là cách làm cho cuộc sống gia đình mai sau đầm ấm và thương yêu hơn".
Đinh Tuấn Hùng (ngõ 369, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Là những nam thanh niên trẻ, khi đến xem những hình ảnh, thước phim về bình đẳng giới trong gia đình, tôi có rất nhiều suy nghĩ. Trước hết là biết trân trọng hơn những công việc mà bà, mẹ và các chị em gái đã và đang làm cho gia đình. Đồng thời, nó cũng tác động vào nhận thức của tôi trong việc chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Cứ tưởng những công việc ấy là "việc vặt" là đã sai lầm, chính những người phụ nữ đã tạo nên những bữa cơm ngon cho gia đình, cùng chia sẻ việc nhà với họ là biết trân trọng hơn hạnh phúc lứa đôi và ý nghĩa cuộc sống".
Những điều bình dị trong "Chiếc tạp dề"
Nguyễn Trà My, Hoàng Dạ Vũ, Hoàng Hà, Nguyễn Thị Li La…, họ là những sinh viên thế hệ 9X, dù bận việc học nhưng vẫn quyết tâm để sáng tạo ra những bộ phim ngắn về bình đẳng giới trong gia đình. Từ những điều đã học trong trường, cộng với sự nhận thức về vai trò của hai giới trong gia đình, họ đã làm nên những hình ảnh xúc động cho nhiều khán giả.
Với bộ phim ngắn "Chiếc tạp dề", Nguyễn Trà My đã lồng vào phim một câu chuyện cuộc sống thường nhật của một gia đình nhỏ. Đoạn phim này có bốn nhân vật: Bố, mẹ và hai người con. Người mẹ là người quán xuyến mọi việc trong gia đình từ nấu nướng, dọn dẹp đến chăm sóc con cái. Trong khi đó, các thành viên còn lại gần như không có sự chia sẻ.
Chuyện phim được nhìn dưới con mắt của cô con gái học cấp ba, câu chuyện gia đình được tái hiện một cách chân thực và sống động. Ở đoạn đầu bộ phim, cô bé có cảm giác thương cảm và muốn chia sẻ với mẹ. Tuy nhiên, khi được mẹ nhờ nấu cơm, phụ giúp việc nhà, cô bé lại thấy khó chịu. Chỉ đến khi về nhà, thấy mẹ loay hoay và gặp rắc rối với những công việc này, cô bé mới cảm thấy có lỗi, thương mẹ và nhận ra được ý nghĩa thực sự của việc chia sẻ công việc trong gia đình.
Bên cạnh nhân vật cô con gái, đoạn phim còn đề cập đến hình ảnh của người cha - người chồng. Nhân vật này sau khi đọc được những tâm sự của con mình đã có những biến chuyển trong suy nghĩ và hành động, quan tâm hơn đến các công việc trong gia đình như chăm sóc con cái, nấu nướng. Trà My tiết lộ thêm, khi làm bộ phim này, cô đã nhận thức sâu sắc được việc bình đẳng giới trong gia đình sẽ làm cho các thành viên gắn bó với nhau hơn, tạo ra sợi dây gắn kết bền chặt.
Bộ phim tài liệu "Những điều bình dị" của Hoàng Dạ Vũ (thực hiện) lại tác động vào khán giả bởi câu chuyện có thật của một gia đình sống tại Hà Nội. Đoạn phim mở đầu bằng hình ảnh người đàn ông đang quét dọn nhà cửa và câu hỏi của phóng viên: "Anh nghĩ sao về câu nói: Làm trai rửa bát, quét nhà?". Câu trả lời của nhân vật đơn giản: "Đó là việc nên làm" và những hình ảnh anh giúp vợ đã phản ánh được đầy đủ quan niệm về việc chia sẻ công việc nhà; đồng thời, anh cũng dạy con trai mình cách giúp mẹ nhặt rau, lau nhà…
Đó là sự chia sẻ không chỉ trong suy nghĩ, quan điểm tiến bộ mà còn từ hành động thực tế của người đàn ông này. Đặc biệt, ấn tượng (từ bộ phim) là thông điệp về sự giáo dục con trai biết chia sẻ việc nhà với mẹ từ nhỏ: "Hạnh phúc đôi khi thật đơn giản. Tình yêu thương thực sự ẩn chứa trong những việc làm bình dị nhất".
Hoàng Dạ Vũ chia sẻ: "Khi làm bộ phim ngắn này, em đã lấy cảm hứng từ chính gia đình của chị gái em. Em cho rằng, việc đàn ông chia sẻ việc nhà không có gì đáng xấu hổ, không đến mức phải "mặc váy" như nhiều người nghĩ. Chính những hành động nhỏ như giúp vợ lau nhà, nhặt rau, giặt giũ quần áo sẽ làm cho tình cảm vợ chồng bền chặt hơn. Bình đẳng giới là bình đẳng ngay trong suy nghĩ của mỗi người đàn ông…".
Bác Trần Tiến Nam (cán bộ hưu trí phường Bách Khoa, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng rất ngạc nhiên về những thước phim mà nhiều bạn sinh viên làm đạo diễn. Bởi, nhiều bạn còn rất trẻ, chưa lập gia đình, nhưng đã có vốn hiểu biết sâu sắc về bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Tôi tin rằng, những thước phim nhỏ ấy sẽ tác động vào tư duy của những người đàn ông đang làm chồng, làm cha và cả những nam thanh niên trẻ, để phụ nữ được chia sẻ việc nhà nhiều hơn nữa. Người phụ nữ có hạnh phúc thì gia đình mới tràn ngập tiếng cười".
Lạc Thành