Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã mang đến sự lo lắng cho châu Âu về những chính sách đối ngoại trong tương lai của nhà tỷ phú đối với khu vực này.
Nước Mỹ đã chọn một nhà lãnh đạo đe dọa sự tồn tại của của NATO; các hiệp ước an ninh tập thể; tự do thương mại, hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào từ sau Thế chiến II.
Đường lối của ông Trump lan truyền cảm giác lo lắng rằng, một thời đại gần gũi giữa Mỹ và châu Âu sắp kết thúc. Tất nhiên từ phát ngôn cho đến khi bắt tay vào hành động thực tế thường không hề giống nhau. Bởi vậy, một phần dư luận vẫn lạc quan cho rằng việc ứng viên đảng Cộng hòa lên nắm quyền chưa hẳn là một cơn ác mộng đối với các nhà lãnh đạo châu Âu.
"Chúng tôi sẽ đánh giá tổng thống mới dựa trên lời nói và hành động của ông sau ngày bầu cử, không phải trên cơ sở những gì ông nói trong chiến dịch", Jürgen Hardt, điều phối viên quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương của chính phủ Đức tuyên bố.
Tuy nhiên ngay từ lúc này châu Âu đã lường trước 3 kịch bản có thể xảy ra trong quan hệ của chính quyền Mỹ mới với lục địa già.
Chủ động rời bỏ Mỹ
Với khẩu hiệu xuyên suốt chiến dịch bầu cử với nội dụng "Nước Mỹ là trên hết", đã khiến một số nhà quan sát càng tin rằng Trump sẽ không mặn mà với những vấn đề chung của châu Âu.
Dư luận lục địa lo ngại trong quá trình chuyển giao quyền lực với chính quyền Obama, Trump có khả năng sẽ gia tăng xu hướng tương tác với nhiều quốc gia mới nổi khác - điều làm xói mòn khả năng của Mỹ trong việc bao quát tất cả các đồng minh trước đó.
Kết quả cuối cùng là châu Âu phải tìm cho mình thỏa thuận an ninh mới nhằm thay thế cho NATO trong giai đoạn người đứng đầu Mỹ tạm vắng mặt. Điều này gợi lại những ký ức xấu trong hai cuộc chiến tranh thế giới, khi Anh và Pháp đã không đủ mạnh để duy trì trật tự tại châu Âu.
Trong những tháng gần đây, Liên minh châu Âu đã nói về việc tăng cường vai trò độc lập của tổ chức này trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên trong bối cảnh phải chịu tác động của Brexit và "hiện tượng Trump" như hiện tại, chưa có một quốc gia thành viên nào đưa ra những đề xuất hợp lý.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà quan sát tin rằng chủ nghĩa biệt lập toàn diện mà EU hướng tới là điều bất khả thi. Ảnh hưởng của Mỹ là quá lớn và có quá nhiều điều nan giải ở châu lục này khiến cho EU không có sự lựa chọn nào ngoài việc thỏa hiệp.
Đơn cử một sự kiện tương tự như cuộc chiến tranh Balkan trong những năm 1990 cũng có thể đòi hỏi một sự tương trợ từ phía Mỹ.
Kiên trì và hy vọng
Ngoài phương án trên, các nhà hoạch định chính sách châu Âu vẫn hy vọng có thể bằng cách nào đó kêu gọi Trump sẽ tiếp tục cam kết vai trò của Mỹ trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở châu Âu, đặc biệt là thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - sự gắn kết vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Một số nhà ngoại giao Mỹ ở châu Âu trong vài ngày qua cũng đã cố gắng trấn an công chúng tại đây rằng, sẽ không có nhiều thay đổi về chính sách với NATO trong chính quyền mới.
"Trump sẽ cần phải lắng nghe lời khuyên từ các cố vấn và các đồng nghiệp của ông trong hoạch định chính sách an ninh, kể cả ông ấy có không thích nó đi chăng nữa", Volker Perthes, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế và vấn đề an ninh Đức nói trên Wall Street Journal.
Trong các phát ngôn trước đó Trump đã lên tiếng chê NATO đã "lỗi thời". Ông cũng nhắc nhở đồng minh của Mỹ phải trả nhiều chi phí hơn cho việc được Washington bảo vệ. Tân tổng thống cũng từ chối cho biết liệu ông sẽ bảo vệ các nước Baltic trước một cuộc tấn công từ Nga hay không.
"Trump sẽ là lãnh đạo đầu tiên của Mỹ từ trước đến nay không hứa trước về cam kết với NATO", Jonathan Eyal, giám đốc quốc tế tại Viện Royal United Services, London đánh giá Trump đang biến quan hệ Mỹ-NATO chỉ đơn thuần là những giao dịch tiền bạc thuần túy.
Lại thêm một nhân vật khó lường
Nỗi sợ hãi lớn nhất ở Tây và Trung Âu là nước Mỹ có thể tìm kiếm một sự xích lại gần hơn với Nga trong quan hệ giữa hai siêu cường ngang hàng, chứ không phải là trên các quy tắc đa phương để bảo vệ quyền của các quốc gia nhỏ hơn đang liên minh với mình.
Đối với các nước như Ba Lan hay Estonia, kịch bản này đang đưa họ trở lại quá khứ khi đứng trước số phận bị quyết định bởi mục đích và tham vọng của hai phe Đông-Tây.
"Châu Âu đã phải nỗ lực để sống chung với Putin, một nhân vật khó lường khiến cho không ai biết được chiến lược của Nga là gì", François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu chiến lược ở Paris cho biết. "Bây giờ chúng ta phải học cách sống chung với nước Mỹ cũng khó đoán như vậy. Đó là là lý do châu Âu sẽ phải chuẩn bị trước các phản ứng từ đối tác Mỹ".
Quốc Vinh