Mới đây, nhiều chị em than phiền về việc dọn nhà ngày Tết. Không ít người còn kể lại việc dọn nhà trong những ngày gần Tết như một hành trình. Nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thu Hường (27 tuổi, Phú Thọ) cho biết: “4 năm nay, năm nào tôi cũng đảm nhận việc dọn dẹp nhà cửa trong những ngày Tết. Cả nhà tôi thường khoán phải xong trước đêm giao thừa. Vì thế, tôi bắt đầu dọn dẹp từ ngày 27 Tết”.
Cũng theo chị Hường, nhà chị 3 tầng nên việc dọn dẹp khá vất vả. Phải bắt đầu từ tầng 3 xuống, bê hết đồ đạc xuống sân cọ rửa, làm khô xong sau đó phải để nguyên vị trí cũ. Không những thế, có những đồ dễ vỡ thì cần phỉ cẩn thận, tỉ mỉ nếu không lỡ tay sẽ bị khiển trách ngay.
“Nhà tôi có 2 anh em, tôi là gái út nên được đảm nhận việc này. Tôi sợ cái yêu cầu khắt khe của bố tôi lắm, như lau cầu thang, cửa kính là phải làm đúng quy trình: Quét cho hết bụi – lau qua bằng nước sạch – lau bằng nước rửa – lau lại bằng nước sạch – lau bằng vải khô. Cứ như thế, cả buổi sáng tôi chỉ dọn được một tầng. Đau, ê ẩm hết người. Bố tôi thường trêu như thế để luyện dần sau này đi lấy chồng còn biết việc”, chị Hường chia sẻ.
Chị Hường cho biết, chị sợ nhất là khoản dọn tủ bếp của gia đình. Vì mẹ chị đồ gì cũng nhét vào đó, không nỡ vứt đi. “Vì ở quê nên các cụ hay có thói quen giữ lại mọi thứ, thậm chí có những thứ cả năm không bao giờ dùng đến nhưng vẫn được lưu trữ lại. Tôi có vứt vài thứ đồ đi mẹ tôi liền quát “để đó, biết đâu sau này có việc cần dùng đến”, vậy là mẹ tôi lại ra thùng rác nhặt vào. Nói thật, sau 2 ngày dọn dẹp nhà cửa thì cổ, tay, chân đều đau nhức”, chị Hường tâm sự.
Cũng cùng cảnh ngộ, chị Đặng Thanh Tuyền (SN 1988, Hà Nội) kể rằng, nghĩ đến cảnh dọn dẹp nhà trước Tết là chị thấy bủn rủn chân tay.
“Sợ nhưng vẫn phải làm, vì thêu người tôi không yên tâm lắm. Lúc mới bắt đầu thì hỏi tự hỏi bao giờ mới xong, nhưng dọn dẹp xong thấy nhà cửa sạch sẽ cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi dọn dẹp nhà cửa trong một ngày, bắt đầu từ phòng khách, phòng ngủ rồi đến bếp. Bàn ghế, cửa, cầu thang phải mất khoảng vài tiếng vì những thứ đó rất khó lau chùi. Có những đồ tôi vô tình quên mất và khi lôi ra thì đã hỏng, đành phải bỏ đi, tiếc lắm.
Tôi nghĩ, là phụ nữ những ngày Tết quanh quẩn lo nội trợ không dám kêu than với ai. Tết đến khách đến ăn uống, cứ đoàn nọ nối đoàn kia, ăn xong lại đi rửa dọn là hết Tết. Nếu có thêm bàn tay giúp đỡ của những người đàn ông trong nhà thì Tết sẽ trọn vẹn hơn”, chị Thanh Tuyền bày tỏ.
Mai Thu