Ác mộng những ngày làm dâu xứ Đài: Hạnh phúc muộn bên xứ người (P3)

Ác mộng những ngày làm dâu xứ Đài: Hạnh phúc muộn bên xứ người (P3)

Lại Duy Cường

Lại Duy Cường

Thứ 4, 21/12/2016 16:55

Sẽ chẳng có hạnh phúc nào bền vững nếu nó không xuất phát từ tình yêu. Nếu mình đến với người ta bằng mục đích thương mại thì người ta cũng đối xử với mình với mục đích thương mại mà thôi.

Sau ngày bị cả nhà chồng chà đạp, cướp mất con. Tôi bơ vơ khắp nơi, cũng may trong quá trình đi làm tôi dành dụm cho mình được ít tiền để chi tiêu tằn tiện. Tôi tìm đến những người bạn Hải Phòng ở Đài Loan nhờ họ giúp đỡ chỗ ở và việc làm bởi tiệm dép chỗ tôi không cho tôi tiếp tục công việc nữa. 

Những ngày đầu xin việc khá khó khăn, thân hình tôi ngày một tàn tạ. Tôi tiếp tục bơ vơ nơi xứ người, phòng trọ của tôi liên tục bị cảnh sát hỏi thăm, với vốn tiếng Trung ít ỏi tôi không biết giải thích với cảnh sát thế nào, nhiều lần giao tiếp bằng tay. Giấy tờ duy nhất mà tôi mang theo khỏi nhà chồng là giấy kết hôn của hai người.

Công việc chưa có, số tiền dành dụm cũng đã cạn dần tôi cảm thấy hoang mang, nghĩ về tương lai, nước mắt tôi lại không ngừng tuôn. Hơn một lần tôi có ý định bay về Việt Nam, bay về với bố mẹ nhưng nghĩ đến con gái, nghĩ đến áp lực của hàng xóm đối với bố mẹ tôi mà tôi không đành lòng.

Tâm sự - Ác mộng những ngày làm dâu xứ Đài: Hạnh phúc muộn bên xứ người (P3)

 Hạnh phúc mỉm cười với Tôi khi tham gia với cộng đồng.

Tôi quyết tâm phải tìm cho mình sự sống, kiên trì gặp gỡ các mối quan hệ, gặp lại những người bạn Việt Nam cuối cùng tôi cũng đã tìm được một công việc làm công tại một xưởng sắt, công việc khá khó khăn mệt nhọc nhưng bù lại giúp tôi có thu nhập để tồn tại, để có thời gian về thăm con.

Để mưu sinh trên đất người, tôi tự nhủ mình phải đi học lấy cái chữ, học thành thạo tiếng của họ mới mong hoà nhập được với cuộc sống nơi xứ người. Gạt bao nỗi vất vả của công việc xưởng sắt, tôi tự học tiếng Hoa, đồng thời đi đến trường tiểu học tham gia lớp học tiếng Hoa dành cho cô dâu người nước ngoài.

Cuộc sống của tôi đã hé mở ra một tia sáng mới, thầy cô và bạn bè dần phát hiện ra tôi là nạn nhân của bạo hành. Mọi người đã khích lệ tôi đứng lên, cuối cùng tôi đã có dũng khí và tôi đi xin được việc làm nuôi sống bản thân. 

May mắn cho tôi khi được quỹ hỗ trợ pháp luật Tân Trúc vừa giúp tôi kiện chồng ra tòa với lý do bị đánh đập gây thương tích, quỹ cũng vừa giúp tôi kiện để chứng minh tôi hoàn toàn không tự nguyện kí giấy ly hôn, tôi được quyền cư trú chính thức tại Đài Loan sau 6 tháng sau. 

Cuộc sống của tôi có nhiều tiến triển mới khi năm 2010, tôi chính thức trở thành công dân Đài Loan, từ đây, tôi có thể đàng hoàng sống trên xứ người. Nụ cười hạnh phúc đã trở lại khi tôi xin vào làm công nhân cho một nhà máy thiết bị di động với đồng lương của người Đài Loan bản địa.

Tôi có thể về thăm con thường xuyên hơn. Còn chồng tôi, người vợ mới cũng không chịu được tính khí của ông ta cũng đã bỏ đi. Hơn một lần anh ta đề nghị tôi quay lại nhưng tôi không đồng ý. Tôi bỏ mặc ngoài tai tất cả, tự nhủ mình sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn nơi xứ người.

Tâm sự - Ác mộng những ngày làm dâu xứ Đài: Hạnh phúc muộn bên xứ người (P3) (Hình 2).

 Ngày Hương chính thức được nhập tịch Đài Loan.

Những ngày cơ cực ấy với tôi cũng không ít cám dỗ, lúc chưa có việc tôi từng nhận được không ít lời đề nghị làm nghề mát xa với mức lương ít nhất trên 100.000 Đài tệ/tháng, nhưng tôi đã không làm, vì không thể biết thực chất công việc đó làm gì. Tại sao người ta dám trả cao vậy đâu phải vô cớ.

Trong qua trình mưu sinh, một vài người bạn Đài Loan là nam giới cảm thông với hoàn cảnh của tôi, từng đưa tiền đề nghị giúp đỡ và chăm sóc tôi, nhưng tôi đều từ chối. Bởi tôi không muốn người Đài Loan có cái nhìn xấu về tất cả cô dâu Việt là đều ham tiền. Tôi muốn kiếm sống bằng chính những đồng tiền lương thiện do mình làm ra, dẫu cả tháng lương chỉ hơn 30.000 Đài tệ.

Lấy chồng Đài Loan chưa hẳn đã xấu, chuyện của tôi chỉ là một chuyện rất nhỏ trong hàng ngàn cô dâu Việt tại Đài Loan. Vẫn có những người hạnh phúc, vẫn có những người có cuộc sống êm thấm như những cặp đôi khác. Họ khác những người như chúng tôi bởi họ có tình yêu.

Khi cuộc sống của bắt đầu đi vào ổn định, tôi bắt đầu tham gia hoạt động xã hội trong cộng đồng người Việt, những cô dâu Việt. Càng tham gia hoạt động xã hội tôi càng có cơ hội gặp những mảnh đời bất hạnh hơn bản thân mình.

Nhiều cô còn bị chồng lừa sang đây làm gái, có cô cưới về trở thành nô lệ tình dục cho cả nhà… các cô ấy có hoàn cảnh rất bi thương. Nhưng hơn tất cả, chúng tôi có niềm an ủi nho nhỏ đó chính là tình đồng hương trên xứ người

Cùng tham gia với các chị em giúp đỡ những cô dâu Việt bên đất người, tôi nhận thấy mặt tốt có, mặt xấu có, hạnh phúc có, bất hạnh cũng có nhưng điểm chung giữa những cuộc hôn nhân hạnh phúc và khổ đau đều xuất phát từ tình yêu.  

Những cô dâu Việt mà tôi thấy, cũng như tôi, họ là những người mới nhập cư, chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch Đài Loan, không được cấp giấy tờ tùy thân của Đài Loan nên hầu hết không có việc làm, chỉ ở nhà nuôi con, nội trợ và phục vụ công việc gia đình, giao tiếp xã hội gần như bị hạn chế.

Đa số các cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan có trình độ văn hóa thấp nên trình độ ngoại ngữ rất hạn chế, không thạo tiếng địa phương, không hiểu biết về lối sống, phong tục tập quán, chính sách pháp luật của Đài Loan trước khi lấy chồng nên các cô dâu Việt Nam rất khó hòa nhập vào đời sống cộng đồng.

Cá biệt, nhiều cô dâu Việt Nam như tôi lấy phải chồng già, chênh lệch tuổi tác quá lớn nên giữa 2 vợ chồng rất khó có sự hòa hợp, đồng cảm. Mục đích lấy vợ của những ông chồng Đài Loan này chủ yếu là để có người chăm sóc, phục vụ nên cuộc sống của những cô dâu bị quản lý rất khắt khe, họ không được giao tiếp và không được gặp gỡ bạn bè vì gia đình nhà chồng sợ các cô dâu bỏ trốn.

Nhiều cô đến với chồng chỉ vì mục đích thương mại nên họ cưới về cũng đối xử với mình cũng như mục đích thương mại. Nhiều cô vẫn có tấm chồng, có con cuộc sống cũng êm ấm. Tuy nhiên khi họp gia đình, nhiều người vẫn bị hỏi được mua về với giá bao nhiêu? Rồi hỏi có con cháu gì giá rẻ mà xinh không giới thiệu cho đàn ông bên đó… nhiều cô nghe hỏi mà tủi thân, nước mắt cứ rơi.

Tôi đã giúp đỡ rất nhiều những cô dâu bất hạnh, họ cùng quẫn tụm lại với nhau giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn bên xứ người. Bởi vậy, tôi quyết định kể về quãng đời cho mọi người biết, và mong rằng những cô gái trẻ khác khi quyết định theo chồng sang xứ người đừng quá mơ tưởng.

Nơi nào cũng cần có tình yêu, vợ chồng đồng lòng, cần cù lao động thì mới mong vun vén hạnh phúc. Nếu còn nhen nhóm qua bên này là nơi giàu có an nhàn thì nên suy nghĩ thật kỹ kẻo hối hận thì cũng đã muộn màng.

Trần Phương

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.