Ngày 18/9/2012, ông Trần Hùng Huy chính thức nhận ghế chủ tịch ACB.
Thời điểm đó, trong xu thế khủng hoảng chung của nền kinh tế, báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2012 của ACB cho thấy, tổng tài sản giảm gần 40.000 tỷ đồng (từ 254.000 tỷ xuống còn 214.000 tỷ), lỗ từ kinh doanh vàng và ngoai hối trên 114.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này âm gần 660 tỷ đồng.
Sau một năm ông Trần Hùng Huy ngồi “ghế nóng” ACB, tổng tài sản Ngân hàng ACB giảm mạnh tới 50.000 tỷ đồng. Câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là trong một năm qua chủ tịch trẻ của ACB đã làm gì khiến tài sản ngân hàng này thất thoát một số tiền lớn như vậy?
Chủ tịch trẻ ACB Trần Hùng Huy
Nhìn lại quá trình một năm qua tại ACB có thể thấy, sự kiện bầu Kiên đã khiến ngân hàng này thất thoát một số tiền không nhỏ mà ngay chính ông Trần Hùng Huy đã thừa nhận “sự cố bầu Kiên khiến 28.000 tỷ đồng bị rút ra khỏi hệ thống của ACB”
Theo báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của ACB, ngân hàng này tiếp tục mắc kẹt gần 719 tỷ đồng tiền gửi đã quá hạn liên ngân hàng với một ngân hàng khác chưa thể thu hồi. Ngoài ra, khoản vay nợ từ các công ty con liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên, cùng với khoản trả lãi định kỳ hao hụt và khả năng thu hồi không được báo trước cũng treo trên đầu ACB một khoản vốn lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.
Một sự kiện khác tại ACB cũng cần lưu ý là việc Ngân hàng Á Châu là đơn vị đầu tiên tuyên bố đoạn tuyệt với món nợ vàng. Nguyên nhân sự việc này được cho là do việc kinh doanh vàng của ACB bị thua lỗ ở mức 1.700 tỷ đồng khiến tài sản ACB giảm tới 30%.
Đánh giá về việc tài sản ACB “bay hơi” 50.000 tỷ đồng, Tri Thức đăng ý kiến một cựu lãnh đạo ACB phân tích: "Nếu sụt giảm tổng tài sản mà tương ứng với giảm tiền gửi thì đây là mối lo lớn. Thế nhưng, bản chất của việc 'bốc hơi' 50.000 tỷ đồng là việc xử lý hậu quả về vàng thì bảng cân đối trở nên lành mạnh hơn trước".
Cũng theo lãnh đạo này, ACB trải qua sóng gió chủ yếu về vụ bầu Kiên chứ tình hình chung của nhà băng này không gặp vấn đề về hệ thống nên khi xử lý xong hậu quả về vàng, hiệu quả sẽ có cải thiện.
Một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng, nhìn bên ngoài việc sụt giảm 50.000 tỷ đồng tổng tài sản thể hiện sự giật lùi của phát triển nhưng thực tế ở ACB lại có đặc điểm riêng. "Vàng là 'của nợ' và khi nó bị loại khỏi bảng cân đối, các cổ đông nên vui mừng vì bớt đi mối lo và nhờ đó hiệu quả kinh doanh sẽ tốt lên", ông này chia sẻ.
Ông Trần Hùng Huy là tiến sĩ Kinh tế và là con trai của nguyên chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng. Trần Hùng Huy bắt đầu đặt chân vào ACB từ năm 2002, lúc vừa 24 tuổi với vị trí Chuyên viên nghiên cứu thị trường và gắn bó với công việc này trong vòng 2 năm. Tiếp đó, từ 2004 đến năm 2008, ông Huy là giám đốc Marketing, đồng thời trở thành thành viên Hội đồng quản trị ACB từ 2006. Đến năm 2008, ông trở thành phó tổng giám đốc của ACB và 18/9/2012 ông Trần Hùng Huy chính thức trở thành chủ tịch ACB. |
Tuấn Khanh (tổng hợp)