Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố Báo cáo tài chính riêng giữa niên độ cho giai đoạn 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2013.
Tại báo cáo này, mặc dù không đưa ra kết luận ngoại trừ song đơn vị kiểm toán KPMG vẫn lưu ý đến ba vấn đề.
Theo đó, thuyết minh báo cáo tài chính của ACB có đề cập tới khoản 718,9 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, mà ngân hàng đã ủy thác cho nhân viên gửi tại một ngân hàng thương mại cổ phần và 36,5 tỷ đồng các khoản lãi phải thu liên quan đã bị quá hạn.
Tính đến 30/6/2013, ACB đang có 16.850,7 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng trong nước, trong đó 15.539,7 tỷ đồng là tiền VND.
Về khoản 718,9 tỷ đồng và 36,5 tỷ đồng tiền lãi dự thu, ACB cho biết, phần lớn các nhân viên nhận ủy thác gửi tiền của ngân hàng đã khởi kiện tại Tòa án Dân sự yêu cầu ngân hàng nhận gửi hoàn trả gốc và lãi của khoản này.
Tháng 7/2012, ACB nhận được thông báo từ Tòa án Dân sự về việc tạm hoãn xét xử do vụ việc liên quan đến vụ án hình sự đang điều tra. Tại ngày 30/6/2013 và tại ngày phê duyệt báo cáo, ACB vẫn chưa được thông báo về kết quả điều tra cũng như chưa có phán quyết của tòa án.
Tuy nhiên, dựa trên diễn tiến sự việc, các bằng chứng của vụ án và ý kiến của luật sư mà ngân hàng đang có, Ban lãnh đạo ACB vẫn tin tưởng sẽ thu hồi được các khoản này và do đó, Ngân hàng không trích lập dự phòng cho các khoản trên.
Gần đây, kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra- Bộ công an cho thấy, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) - nguyên phó Chủ tịch ACB, đã chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỷ đồng.
Hơn 1.100 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với một Tổng công ty Nhà nước
Vấn đề thứ 2 trong Báo cáo tài chính của ACB được KPMG lưu ý khoản tiền 464,73 tỷ đồng ngân hàng cho một tổng công ty nhà nước vay cùng với 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi tổng công ty này và 135,9 tỷ đồng lãi trái phiếu phải thu được phân loại là Nhóm 2 - Nợ cần chú ý, mà không chuyển sang nhóm nợ có chất lượng thấp hơn, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thuyết minh báo cáo của ACB cho biết, khoản vay này được sử dụng với mục đích mua và/hoặc đóng tàu biển.
Ngày 18/4/2013, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện cơ cấu nợ đối với các khoản vay mua, đóng mới tàu biển của Tổng công ty theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo công văn này, NHNN yêu cầu các TCTD xem xét thực hiện cơ cấu lại nợ đối với các khoản vay mua, đóng mới tàu biển của Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên mà Tổng công ty chiếm tỷ lệ vốn góp từ 51% trở lên với thời hạn 2 năm (đến hết 2013) và xem xét việc không chuyển nhóm nợ và giữ nguyên xếp hạng tín dụng doanh nghiệp khi cơ cấu lại khoản nợ này.
Ban Tổng giám đốc của ACB cho rằng, trái phiếu với số tiền 500 tỷ đồng và lãi phải thu 135,9 tỷ đồng cần được xử lý nhất quán với khoản vay cho mục đích mua, đóng mới tàu biển (xếp vào nợ nhóm 2 – tức chưa phải là nợ xấu).
Tại ngày 30/6, ngân hàng còn số dư 1.100,68 tỷ đồng dư nợ tại tổng công ty này. Tổng dự phòng cụ thể 45,43 tỷ đồng.
Chưa có kết quả thanh tra toàn diện
Vấn đề thứ 3 mà KPMG lưu ý là Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của ACB. Đến ngày phê duyệt phát hành các báo cáo tài chính riêng giữa niên độ này, ACB chưa được thông báo về kết quả của cuộc thanh tra.
Do vậy, kết luận của cuộc thanh tra và ảnh hưởng của kết luận này (nếu có) đã không được phản ánh trong các báo cáo tài chính riêng giữa niên độ này.
Theo kiểm toán KPMG, công tác soát xét bao gồm chủ yếu là trao đổi với nhân sự của ngân hàng và áp dụng các thủ tục phân tích trên những thông tin tài chính, và do đó công tác này cung cấp một mức đảm bảo thấp hơn công việc kiểm toán. KMPG không thực hiện công việc kiểm toán nên không đưa ra ý kiến kiểm toán.
Theo Dân trí