Nhà máy ở TP.HCM đóng băng
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, đại diện hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, hiện nay đa số các doanh nghiệp đã ký kết được các đơn hàng để sản xuất cho đến đầu năm 2022.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang ngày càng trở nên căng thẳng, khiến hơn 50% các nhà máy do HAWA khảo sát phải tạm thời đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất.
Điều này gây ra báo động lớn cho ngành về việc mất thị trường, mất khách hàng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát nhanh của HAWA về tình hình hoạt động của 171 doanh nghiệp ngành gỗ và mỹ nghệ tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh miền Trung, miền Bắc trong giai đoạn dịch Covid-19 cho thấy, 88 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, chiếm 51%.
Tổng số doanh nghiệp còn duy trì hoạt động là 83 đơn vị, chiếm 49%. Tổng số lao động chỉ còn 26.078 người, giảm gần 50% so với lao động trước dịch. Đối với mảng bán lẻ tại thị trường nội địa chiếm 25%, gần 100% doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, doanh thu sụt giảm 90%.
Theo đại diện HAWA, những doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất cho biết, ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến năng suất lao động, doanh thu bị sụt giảm cũng như các chi phí tổ chức hậu cần cho người lao động gia tăng.
Doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như yêu cầu xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ người lao động 7 ngày/lần, là một trong những gánh nặng lớn về tài chính.
Thêm nữa, đặc thù ngành gỗ và mỹ nghệ là ngành có sự đa dạng về chủng loại nguyên vật liệu với hệ thống cung ứng, nhà máy gia công trải khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách áp dụng Chỉ thị 16 ở mức độ khác nhau, không nhất quán đã gây nên việc ách tắc lưu thông thông nguyên phụ liệu, hàng hóa khiến doanh nghiệp không thể duy trì được hoạt động.
"Đáng chú ý, gần như toàn bộ các nhà máy của doanh nghiệp ngành gỗ tại khu vực TP.HCM phải ngưng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ" mà ngành công thương thẩm định”, đại diện HAWA cho hay.
Do đó, HAWA kiến nghị, đối với nhóm doanh nghiệp đang duy trì sản xuất thì cần hỗ trợ chi phí phụ cấp sinh hoạt cho người lao động đang làm việc tại nhà máy. Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa nguyên vật liệu liên tỉnh.
Đồng thời, các cơ quan chuyên ngành cần có hướng dẫn nhất quán cho các địa phương về việc thực hiện triển khai Chỉ thị 16 tránh việc áp dụng không nhất quán, gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất vì dịch bệnh, HAWA kiến nghị hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, trợ cấp công nhân đang tạm nghỉ việc nhằm giữ chân người lao động tránh bỏ việc, rời khỏi địa phương hoặc dịch chuyển sang các ngành khác.
Nỗi lo đơn hàng đã nhận trở thành..."gánh nặng"
Điều đáng nói, chỉ 1 tháng trước, doanh nghiệp ngành gỗ vẫn còn lạc quan về thị trường khi nhận được nhiều đơn hàng giá trị lớn, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao.
Báo cáo của hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 cho biết, ngành gỗ nhận 23 dự án mới từ 9 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng số vốn 136,056 triệu USD; 10 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng đạt 45,28 triệu USD; 26 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn 41,14 triệu USD.
Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 12 dự án, tổng vốn đầu tư 29,26 triệu USD; Hàn Quốc với 2 dự án, tổng vốn 8,14 triệu USD; Nhật Bản với 2 dự án, tổng vốn 1,265 triệu USD…
Về mặt hàng, sản xuất giường, tủ, bàn ghế đã thu hút 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 46,53 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc đầu tư 12 dự án với tổng vốn 29,26 triệu USD. Các nước còn lại như: Belize, BritishVirginIslands, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều đầu tư 1 dự án.
Dịch vụ cưa bào, xẻ có 1 dự án do Nhật Bản đầu tư với vốn 865.800 USD; pallet gỗ với 1 dự án do Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư, vốn 500.000 USD.
Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,96 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng khác vẫn đang ngập trong khó khăn.
Chỉ riêng các doanh nghiệp tại TP.HCM, HAWA cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp FDI đạt 4,349 tỷ USD, tăng trên 120% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.
Đại diện công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) chia sẻ, trong năm nay công ty còn có thêm một số khách hàng mới ở thị trường Mỹ dẫn đến đơn hàng năm 2021 đã tăng khoảng 30% so với thời điểm này của năm 2019.
Những khách hàng này là khách hàng dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, công ty Việt Products cũng đã chuẩn bị lực lượng lao động đủ để thực hiện các đơn hàng này cho đến cuối năm 2021.
Còn phía công ty CP Gỗ Đức Thành cũng nhận xét: “Về khách quan, dịch Covid-19 khiến người dân các nước ở nhà thường xuyên hơn và có nhu cầu mua sắm, sử dụng sản phẩm gia đình nhiều hơn.
Về chủ quan, những nhà mua hàng bị đứt gãy chuỗi cung ứng với thị trường Trung Quốc nên chuyển qua Việt Nam. Ngoài ra, một số nhà mua hàng lớn tăng mua hàng của doanh nghiệp Việt vì an tâm về chất lượng sản phẩm”.
Nhưng với tình hình thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương như hiện nay, nhiều doanh nghiệp gỗ không chỉ ở TP.HCM đã bắt đầu lo lắng về việc không thể giao hàng đúng hẹn, phải bồi thường hợp đồng.
Bởi lẽ, vừa đảm bảo vận chuyển nguồn nguyên liệu, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch tối đa tại nhà máy chế biến là thử thách nặng nề.
Vaccine là giải pháp lâu dài
Tính đến 4/8, HAWA ghi nhận đăng ký nhu cầu tiêm vaccine của 208 doanh nghiệp cho hơn 80.000 người lao động đang trực tiếp làm việc tại các nhà máy sản xuất ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ.
Hiện nay TP.HCM đang triển khai tiêm chủng diện rộng. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành, các doanh nghiệp có trụ sở, văn phòng, showroom TP.HCM nhưng nhà máy lại đặt tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh… nên người lao động đang làm việc tại các nhà máy không được ưu tiên theo chính sách tiêm của thành phố này.
Trước đó, hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cùng với 3 đơn vị khác là hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu.