Chân dung “sếp” ACV vừa ký 76 quyết định bổ nhiệm trong 1 ngày
Dư luận vẫn còn chưa hết xôn xao về việc Tổng Giám đốc tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trước khi nghỉ hưu đã dồn dập ký 76 quyết định bổ nhiệm nhân sự trong vòng 1 ngày.
Ông Lê Mạnh Hùng sinh ngày 19/7/1958, như vậy theo quy định thì ngày 19/7/2018 tới đây, ông sẽ chính thức nghỉ hưu theo chế độ.
Điều bất ngờ là chỉ trong ngày 19/6/2018, đúng một tháng trước khi nghỉ hưu, ông Hùng đã ký tổng cộng 76 quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, lãnh đạo các cấp phòng, ban tại ACV (gồm cả tổng công ty và các cảng hàng không địa phương).
Tất cả các quyết định bổ nhiệm đều có hiệu lực là từ 1/7/2018 (rơi vào ngày chủ nhật).
Mặc dù trong báo cáo gửi Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải ngày 9/7, Chủ tịch ACV – ông lại Xuân Thanh trình bày rõ, quy trình bổ nhiệm những cán bộ của doanh nghiệp này có từ đầu năm 2017 đến nay, việc ký quyết định bổ nhiệm ông Lê Mạnh Hùng không phải là quyết định cá nhân mà là trách nhiệm công vụ thực hiện theo thẩm quyền đã được phân cấp của tổng công ty, song rất khó để thuyết phục dư luận rằng đây là một hành động bình thường.
ACV là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, được chuyển đổi từ công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần vào năm 2016.
Hiện ACV đang quản lý, đầu tư, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong cả nước, gồm 9 cảng hàng không quốc tế như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi… và 13 cảng hàng không nội địa như Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Chu Lai…
ACV hiện có vốn điều lệ hơn 21.771 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 95,4% cổ phần và các cổ đông khác nắm giữ 4,6%.
Ông Lê Mạnh Hùng là thạc sĩ quản trị kinh doanh, người từng giữ nhiều cương vị quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh cảng hàng không mười mấy năm nay.
Cụ thể, từ 4/2006 đến tháng 10/2008, ông Hùng làm Phó Tổng giám đốc cụm Cảng hàng không Miền Bắc.
Từ 11/2008 - 3/2010, ông giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc.
Từ 4/2010 - 01/2012, ông Hùng được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc.
Từ 02/2012 - 31/03/2016, ông Hùng được bổ nhiệm làm thành viên hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và từ 01/04/2016 đến nay, sau khi ACV cổ phần hóa thành công thì ông làm thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ACV.
Nhiều sai phạm của ACV thời kỳ Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng
Ngày 8/1/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu tại tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giai đoạn 2012-2015.
Đây chính là giai đoạn ông Lê Mạnh Hùng đang ngồi ghế Tổng Giám đốc kiêm thành viên hội đồng thành viên (từ tháng 4/2016 là hội đồng quản trị).
Ông Lê Mạnh Hùng nhận lương hơn 110 triệu/tháng
Thời điểm đầu năm 2016, kkhi mới bắt đầu cổ phần hóa, thông tin sếp ACV nhận lương hơn 110 triệu đồng mỗi tháng khiến nhiều người bất ngờ. Bởi đây là mức lương khá cao đối với công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối như ACV.
Theo đó, căn cứ tờ trình đại hội đồng cổ đông lần đầu vào ngày 16/3/2016, tiền lương, thù lao của 5 thành viên HĐQT và BKS từ tháng 4-12/2016 dự kiến là hơn 4,4 tỷ đồng (bình quân 110,7 triệu đồng một tháng).
Trong đó, 2 thành viên chuyên trách tại HĐQT sẽ được nhận lương bình quân mỗi người là 119,5 triệu đồng/tháng, 3 người thuộc ban Kiểm soát sẽ nhận 84,3 triệu đồng/người/tháng.
Hai thành viên không chuyên trách HĐQT sẽ nhận thù lao bình quân 23,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại đây, cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều tồn tại, vi phạm của ACV trong hầu hết các hoạt động thuộc diện bị thanh tra.
Trong lĩnh vực quản lý vốn, ACV đã sử dụng sai nguồn vốn trích trước sửa chữa lớn để đầu tư xây mới dự án đường lăn E6 cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị hơn 297 tỷ đồng, dẫn đến phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền gần 63 tỷ đồng.
Tháng 4/2016 ACV cổ phần hóa nhưng 31/3/2016, đơn vị này mới ghi tăng tài sản dự án đường lăn E6 cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị là 297 tỷ đồng, khiến cho giá trị các tài sản của Nhà nước bị loại ra khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Trong công tác quản lý, sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ cho biết, đến thời điểm ACV chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, cảng vụ Hàng không chưa hoàn thành thủ tục giao đất với diện tích hơn 2.888, chưa ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích 197,30 ha, dẫn đến ACV thiếu cơ sở để nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 330 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện ACV và một số chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước cho thuê đất với tổng diện tích 2,931ha đất.
ACV không thực hiện đấu thầu theo quy định mà thực hiện chỉ định thầu cho thuê hầu hết mặt bằng để kinh doanh dịch vụ tại các cảng hàng không từ năm 2010 (chỉ tính riêng năm 2014, 2015 ACV đã ký 803 hợp đồng với số tiền là 701 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2007 đến tháng 12/2014, ACV đã thực hiện trích trước và trích vượt tiền thuê đất đối với các diện tích phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, nhưng không nộp tiền thuê đất, không hoàn nhập kịp thời phần chênh lệch giữa số trích vượt và số tiền thuê đất thực phải nộp làm tăng chi phí sản xuất không đúng, dẫn đến phải nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước với số tiền là hơn 309 tỷ đồng. Trách nhiệm này Thanh tra Chính phủ chỉ đích danh thuộc về Tổng Giám đốc ACV. Thời điểm này ông Lê Mạnh Hùng đang là Tổng Giám đốc ACV.
Đáng chú ý hơn nữa, ACV và 21 cảng hàng không trực thuộc đã thu tiền sử dụng đường sân dẫn vào ga hàng không đối với ô tô đưa đón trả khách trong khi đơn vị này không hề phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Trong giai đoạn 2012-2015, chỉ tính riêng 19/21 cảng hàng không đã điềm nhiên “đút túi” hơn 550 tỷ đồng tiền thu từ dịch vụ sân, đường nói trên.
Đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn, kết quả thanh tra chỉ ra rằng: ACV cũng làm trái quy định với giá trị lên tới hơn 903 tỷ đồng, cần phải truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 692 tỷ.
Những sai phạm trên cùng nhiều sai phạm khác đã dẫn đến việc số tiền sai phạm bị kiến nghị xử lý là trên 3.600 tỷ đồng và hơn 7.200ha đất.