ADB duy trì dự báo lạm phát ở mức 4%
Sáng 25/9, tại buổi Họp báo Cập nhật Kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Phát biểu tại Họp báo, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, cho biết: "Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ."
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nhận định, nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trên cơ sở xuất khẩu tăng mạnh. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp vẫn tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng nhờ lĩnh vực sản xuất chế tạo chế biến.
Tại Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn trong nửa đầu năm 2024 là 6,4%, cao hơn so với nền tăng trưởng thấp trong kỳ năm trước là 3,9%.
Theo ông Hùng, yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là sự khôi phục của các ngành dịch vụ thương mại và sản lượng nông nghiệp ổn định. Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cũng cho biết, chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng hiện đang ở mức thấp.
Đầu tư công sẽ có vai trò then chốt đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Tiếp tục chính sách hỗ trợ tài khóa và gia tăng đầu tư công sẽ góp phần kích cầu hơn nữa trong nửa cuối năm 2024.
"Tuy nhiên, vấn đề tồn tại trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục gây áp lực giảm đối với lĩnh vực bất động sản - là một lĩnh vực chính của tiêu dùng trong nước trước đây. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ vẫn tương đối yếu trong giai đoạn 2024 – 2025", ông Hùng nhận định.
Một vấn đề được Báo cáo đề cập đó là thương mại hồi phục và dòng vốn FDI tích cực sẽ là động lực tăng trưởng chính. Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu đã có sự phục hồi mạnh mẽ, lần lượt tăng 15,8% và 17,7% so với mức nền thấp của tám tháng đầu năm 2023.
Theo ADB, ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ thâm hụt nhẹ vào cuối năm 2024. Quốc hội đã thông qua việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực đến hết năm 2024. Chính sách tài khóa mở rộng dự kiến sẽ tiếp tục, mặc dù việc thực hiện chi tiêu từ ngân sách vẫn chậm.
Việt Nam cũng cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.
Dự báo lạm phát của Việt Nam trong báo cáo tháng 4/2024 được giữ nguyên trong hai năm 2024 và 2025. Mặc dù lạm phát tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2024, lạm phát dự báo vẫn ở mức 4% cho cả năm 2024 và 2025.
Các yếu tố như tăng lương và điều chỉnh giá có sự kiểm soát của chính phủ dự kiến sẽ đẩy lạm phát tăng. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ sẽ giúp giảm bớt một số áp lực lên lạm phát. Đến cuối tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khó tìm được nguồn vốn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp sau bão số 3
Báo cáo của ADB cũng chỉ ra một số rủi ro đối với sự tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam là nhu cầu trong nước còn yếu và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn làm tăng thêm sự bất ổn.
Ông Hùng nhận định, nền kinh tế sẽ tăng trưởng yếu hơn trong nửa cuối năm 2024 do nửa đầu năm, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ tuy nhiên đang có xu hướng giảm dần và khó có thể duy trì như trước. Chính vì vậy, việc kích cầu nội địa là rất quan trọng để duy trì yếu tố tăng trưởng cao.
Ngoài ra, trong ngắn hạn, sự leo thang trong căng thẳng địa chính trị có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá thực phẩm và năng lượng lên cao, và làm gia tăng sự bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Một yếu tố rủi ro khác ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế là yếu tố khí hậu. Trong năm nay, mưa nhiều hơn, thời tiết nhiều biến động, rủi ro cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Đơn cử như cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn đến nước ta.
Theo thống kê sơ bộ bước đầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu khoảng 61.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP nhiều địa phương chậm lại, dẫn đến GDP cả nước trong năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra.
Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB đánh giá, đây mới chỉ là ước lượng trong quá trình khắc phục chứ chưa phải con số cuối cùng và đặt ra kỳ vọng những nỗ lực trong thời gian sắp tới sẽ phần nào bù đắp.
Ông Hùng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão số 3. Đơn cử, trong ngắn hạn, Chính phủ đã có gói cứu trợ trực tiếp 350 tỷ đồng, kêu gọi nguồn hỗ trợ đóng góp toàn dân, đối tác quốc tế, cứu trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, đại diện ADB cũng đưa ra một số khuyến nghị để nền kinh tế có thể phục hồi tốt hơn sao bão. Trước tiên là về vấn đề đền bù tổn thất từ bảo hiểm bởi bảo hiểm sẽ đóng góp trực tiếp vào tài sản thu nhập của người bị ảnh hưởng.
Về phía doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo NHNN hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận tài chính hỗ trợ phục hồi. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, phía ngân hàng cũng gặp khó khăn khi còn phải đảm bảo an toàn hệ thống. Khi khách hàng chịu thiệt hại về tài sản, năng lực trả nợ của khách hàng giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến ngân hàng.
Chính vì vậy, ngoài việc tận dụng vốn từ ngân hàng cũng cần tìm cơ chế hỗ trợ thêm. Thời gian qua, những nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ rất đáng kể. Tuy nhiên, để tìm được nguồn vốn hỗ trợ ngay lập tức cho doanh nghiệp là không dễ.
Theo ông Hùng, cơ chế phục hồi tốt nhất hiện tại là dựa vào bảo hiểm và nguồn hỗ trợ ngân sách. Ngoài ra, có thể để đầu tư công hỗ trợ phục hồi cơ sở hạ tầng sau thiên tai, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ về giống, phục hồi đồng ruộng, nguyên liệu sản xuất.