Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 4/4 đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực này, chủ yếu nhờ triển vọng từ việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch Covid-19 và mở lại biên giới.
ADB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đạt 4,8% trong năm 2023, cao hơn mức 4,6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2022.
Năm 2022, các nền kinh tế này tăng trưởng 4,2%. Nhóm các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á gồm 46 nước thành viên ADB, trải dài từ Kazakhstan tại Trung Á tới Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và chiếm khoảng 50% tăng trưởng kinh tế khu vực nêu trên, đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ tháng 12/2022 giúp khôi phục các hoạt động kinh tế.
Trong báo cáo mới, ADB nêu rõ các triển vọng kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển được cải thiện đáng kể nhờ quá trình mở cửa nhanh chóng của Trung Quốc. Điều này hỗ trợ tăng trưởng cho các nhà xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa thành phẩm trong khu vực.
Ngành du lịch của khu vực cũng sẽ hưởng lợi, trong đó phải kể đến Campuchia, Maldives, Palau và Thái Lan, bởi Trung Quốc là nguồn khách du lịch chủ yếu của những nước này, tính đến năm 2019.
ADB dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,0% trong năm nay và 4,5% vào năm 2024, đều cao hơn mức 3% năm 2022 - mức thấp nhất trong 40 năm, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch và khủng hoảng ngành bất động sản tại nước này.
Trong khi đó, các nền kinh tế chủ chốt khác của châu Á sẽ có mức tăng trưởng yếu hơn, một phần do tác động của suy thoái toàn cầu, lạm phát gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt. Lạm phát trong khu vực đã tăng lên 4,4% vào năm ngoái, dự kiến sẽ giảm xuống 4,2% trong năm nay, trước khi hạ nhiệt xuống 3,3% vào năm 2024, theo dự báo của ADB.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực, được dự đoán sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay và 6,7% trong năm tới.
Pakistan, tăng trưởng 6,0% trong năm tài chính 2022, được ABD dự báo có tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều là 0,6% vào năm 2023 do tác động của lũ lụt và khủng hoảng ngoại hối. Tăng trưởng dự kiến của Pakistan sẽ tăng lên 2,0% vào năm 2024.
Kinh tế Sri Lanka được dự đoán tăng trưởng ở 3,0% trong năm nay, giảm khá mạnh từ mức 7,8% của năm ngoái. Quốc gia Nam Á này được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm tới.
Theo nhận định của ADB, tăng trưởng của Đông Nam Á, đạt mức 5,6% vào năm 2022, dự kiến sẽ giảm xuống 4,7% trong năm nay và tăng lên 5,0% trong năm tới.
Mặc dù triển vọng đã được cải thiện, xong ADB nhận định: "Một loạt các thách thức trước mắt và đang nổi lên vẫn có thể kìm hãm sự phục hồi của khu vực".
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết trong báo cáo: "Cuộc xung đột ở Ukraine có thể dẫn đến giá hàng hóa tăng trở lại, gây ra lạm phát toàn cầu và tình trạng thắt chặt tiền tệ... Rủi ro từ nợ và lãi suất cao hơn, đang trở nên rõ ràng ở một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu. Điều này có thể đe dọa sự ổn định tài chính ở châu Á và Thái Bình Dương".
Trong khi đó, tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây - được đánh dấu bằng sự sụp đổ của hai ngân hàng ở Mỹ và Credit Suisse ở châu Âu - cho đến nay vẫn còn hạn chế.
"Chúng tôi không nghĩ rằng rủi ro đối với châu Á là rất cao. Có rất ít tổ chức tài chính ở châu Á có bất kỳ liên hệ trực tiếp nào với 3 ngân hàng trên", ông Park nói với các phóng viên. "Vì vậy, mối quan tâm chính là nếu cuộc khủng hoảng ở các ngân hàng mở rộng làm mất niềm tin của nhà đầu tư sẽ dẫn đến các điều kiện tài chính bị thắt chặt trên toàn cầu".
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VTV)