Ông Iwan J. Azis, trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, cơ quan xây dựng báo cáo cho biết: “Việc trì hoãn kế hoạch giảm khối lượng mua trái phiếu của Hoa Kỳ giúp khu vực có thêm thời gian để đảm bảo các nền kinh tế và hệ thống tài chính của mình được củng cố đủ vững vàng đối mặt với khả năng biến động của thị trường trong tương lai.”
Mặc dù có những bất ổn của thị trường, các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nền kinh tế Đông Á đang phát triển vẫn tăng 2,4% so với quý trước với giá trị dư nợ đạt 7,1 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9. Sự phát triển này bắt nguồn chủ yếu từ tăng trưởng ở thị trường In-đô-nê-xi-a với tốc độ 3,9%, Phi-líp-pin (3,6%) và Trung Quốc (3%). Thị trường trái phiếu của các nền kinh tế Đông Á đang phát triển đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa
Các thị trường trái phiếu chính phủ của khu vực tăng 2,1% so với quý trước, đạt giá trị 4,4 nghìn tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng 1,1% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Thị trường trái phiếu công ty tăng 2,9%, đạt 2,7 nghìn tỷ USD, thấp hơn so với mức tăng trưởng 8% trong 3 tháng trước đó.
Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu chính phủ trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 giảm 8,7% so với quý trước, chủ yếu là do sự sụt giảm nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc. Thị trường trái phiếu công ty giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 10% so với quý trước do không phát hành trái phiếu công ty trong vòng 3 quý liên tiếp và 1,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu công ty đáo hạn trong quý 3 năm nay.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là thị trường trái phiếu có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25 tỷ USD.
Trong đó thị trường trái phiếu chính phủ tăng 24,8%, đạt 24 tỷ USD, thị trường trái phiếu công ty tính đến quý 3 vẫn đứng ở mức 700 triệu USD.
Tuấn Khanh