Càng gần đến ngày diễn ra trận bán kết lượt về thì cơn sốt vé càng trở nên sôi sục hơn bao giờ hết. Người hâm mộ nào cũng mong muốn có được chiếc vé. Với những người không mua được vé online thì đành “cắn răng” tìm đến vé “chợ đen”. Thế nhưng, “cắn răng” chịu chơi mà anh Ngô Trọng Tấn (Hà Nội) vẫn mua phải 1 cặp vé giả. Tưởng như chỉ những trận đấu có độ hấp dẫn cao như trận bán kết lượt về thì mới xảy ra tình trạng vé giả nhưng theo anh Tấn thì tình trạng này đã diễn ra từ các lượt trận trước.
Anh Tấn chia sẻ với Dân trí: “Hôm diễn ra trận Việt Nam – Malaysia tại sân vận động Mỹ Đình. Tôi có đi taxi ra sân cùng 2 người bạn. Họ đã có và chỉ còn mình tôi chưa có.”
“Vừa bước xuống khỏi taxi thì đã có người áp sát tôi chào mua vé, trên tay người này có 3 vé. Thời điểm đó, trận đấu đã diễn ra được 1 – 2 phút, thế nhưng tôi phải trả giá mãi mới mua được với giá 550.000 đồng/vé”, anh Tấn nói.
Đang hào hứng đi vào bên trong thì khi qua cửa rào sắt cuối để vào sân, anh Tấn bị một đồng chí cảnh sát cơ động chặn lại để kiểm tra vé. Sau khi quét mã trên chiếc vé một lúc không được thì anh Tấn nhận được câu hỏi là: “Em mua vé ở đâu? Đây là vé giả!”
Không chỉ anh Tấn, khá nhiều người hâm mộ đi mua vé cũng gặp tình trạng trên. Một số người đã đưa ra cảnh báo nhận dạng vé bằng trực quan như vé giả trắng tinh, còn vé thật có vết xanh đỏ hoặc đỏ hồng trên vé.
Tuy nhiên, theo anh Phạm Quang Khải (Hà Nội) – một người đã kiểm tra được vé thật – giả thì cách nhận biết chính xác nhất là tải ứng dụng QR Code Reader để quét.
“Khi quét thì sẽ có 1 dãy số hiện ra và yêu cầu gửi về mail để xác nhận. Nếu số seri ở ngay dưới số ghế ngồi hiện ra mà trùng thì là vé thật”, anh Khải chia sẻ thêm.
Trong trận đấu tại sân Hàng Đẫy của đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Campuchia, anh Nguyễn Quang Huy cũng đã chứng kiến quá trình soát vé và thấy có vé giả.
Anh Huy cho biết: “Hôm trước tôi đi xem ở sân Hàng Đẫy, vé ai chuẩn thì nó sẽ hiện màu xanh và ra số, còn vé giả thì sẽ hiện màu đỏ và phải ra ngoài.”
Theo Tri thức trẻ, người hâm mộ nên thận trọng khi mua vé ngoài "chợ đen" hoặc trên mạng xã hội. Những tấm vé được sử dụng tại AFF Cup được chế tạo rất công phu và có cả mã QR để kiểm soát vé giả, tuy nhiên đa phần người hâm mộ không thể tự kiểm tra theo cách này. Vì thế, cách tốt nhất để tránh "tiền mất tật mang" là nói không với phe vé và vé "chợ đen".
Không chỉ xuất hiện vé giả, một vài kẻ xấu đã lập nên những fanpage giả mạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để trục lợi. Cụ thể, fanpage giả lấy hình đại diện và tên gần giống hệt fanpage chính thức, sau đó tạo một mini-game dự đoán kết quả trận bán kết lượt đi diễn ra trên sân của Philippines và tặng 100 cặp vé trận lượt về.
Công thức chung là bắt người dùng like page, like và chia sẻ bài đăng giúp page này tăng like nhanh chóng. Bài đăng giả mạo đã nhận được hơn 1,3 nghìn lượt thích, khoảng 800 lượt chia sẻ và 1,1 nghìn bình luận. Có thể thấy rất nhiều người đã bị đánh lừa bởi hình thức lừa đảo này mặc dù đây không phải chiêu mới. Những kẻ lừa đảo sau khi đạt lượng like cần thiết sẽ bán page để kiếm lợi.
Tình yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, bản thân chúng ta cần hết sức cảnh giác trước các chiêu thức của đối tượng lừa đảo.
Phong Linh (tổng hợp)