Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng 5 địa điểm đang được xem xét để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo của Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra cụ thể là những cái tên nào và ngày càng có nhiều suy đoán về địa điểm tiềm năng cho cuộc gặp lịch sử này.
Trong đó hãng thông tấn AFP đã đưa ra những địa điểm khả thi nhất - bao gồm cả Việt Nam - đồng thời phân tích lý do vì sao các địa điểm này có thể hoặc không thể được chọn.
Singapore hoặc Việt Nam
Các lựa chọn khác của châu Á cũng được xét đến như Singapore, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đứng đầu chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan Mã Anh Cửu gặp nhau vào năm 2015 trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Đài Bắc kể từ năm 1949.
Theo AFP, Việt Nam cũng đang được Mỹ xem xét như một địa điểm lý tưởng cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đặc biệt khi quan hệ Mỹ-Việt Nam đã chứng kiến sự cải thiện rõ rệt trong nhiều năm trở lại đây.
AFP nhận định Việt Nam cũng được biết đến với một nền kinh tế ngày càng sôi động trong khu vực, cũng như có quan hệ sâu đậm với Triều Tiên. Ngoài ra, Việt Nam có kinh nghiệm tổ chức nhiều hội nghị quốc tế quy mô lớn, trong đó có hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm ngoái.
Bàn Môn Điếm
Khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên sẽ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tuần tới.
Bàn Môn Điếm cung cấp các lựa chọn di chuyển dễ dàng và bảo đảm an ninh cao, tuy nhiên địa điểm này không được đánh giá cao sau vụ lùm xùm khiến hai nhân viên của Mỹ chết năm 1976.
Ngoài ra, Washington cũng không hoan nghênh một cuộc gặp tại đây khi khu phi quân sự làm nổi bật lên tính chất chia cắt của bán đảo.
Bình Nhưỡng
Các nhà báo của AFP mường tượng hình ảnh một vị Tổng thống Mỹ sải bước trên đường băng tại sân bay Bình Nhưỡng và đi xe qua quảng trường Kim Nhật Thành sẽ rất ngoạn mục và mang lại cảm giác kịch tính chưa từng có.
Tuy nhiên theo AFP, việc Tổng thống Trump đích thân đến Triều Tiên sẽ khiến vị thế của Mỹ có thể trở nên lép vế, đặc biệt khi hai bên chưa xác nhận được thỏa thuận gì cụ thể.
Ngoài ra, nó cũng khiến cho truyền thông quốc tế chú ý đến nhà lãnh đạo Triều Tiên hơn là Tổng thống Mỹ - điều mà Nhà Trắng muốn né tránh do lo ngại có thể làm giảm hiệu quả đàm phán.
Điều này cũng tương tự như chuyến thăm của em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong tới Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông từng gây ra cơn sốt về ngoại giao.
Nếu ông Kim Jong-un đích thân đến thăm Seoul, đó sẽ là một chuyến đi mang tính biểu trưng rất lớn, tuy nhiên lại dễ có nguy cơ gây tranh cãi ở Hàn Quốc khi quan hệ hai nước vẫn còn căng thẳng.
Bắc Kinh
Cả Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un đã có chuyến thăm Thủ đô của Trung Quốc trong sáu tháng qua. Nhưng một Hội nghị Thượng đỉnh tại đây sẽ có nhiều tác động khó lường.
Bắc Kinh từ lâu được coi là đồng minh chính của Bình Nhưỡng và là nguồn thương mại và viện trợ chính của quốc gia này. AFP phân tích một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh có thể sẽ bị che phủ bởi cái bóng quá lớn của Trung Quốc, đặc biệt khi nước này có thể đòi hỏi quyền lợi của mình trong các thỏa thuận.
Bên cạnh đó, AFP cũng lo lắng về việc các nhà chức trách Trung Quốc áp đặt một hệ thống an ninh nghiêm ngặt và hạn chế các phương tiện truyền thông tiếp cận các sự kiện trên lãnh thổ của họ.
Ulan Bator
Một địa điểm nổi tiếng thường được các nhà phân tích gọi tên trong thời gian gần đây. Thủ đô Mông Cổ có thể dễ dàng đi tới từ Triều Tiên bằng đường hàng không hoặc tàu hỏa. Quốc gia này cũng có quan hệ với cả Bình Nhưỡng và Washington.
Vào năm 2013, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj từng có chuyến thăm Triều Tiên và ngược lại, có gần 1.200 người Triều Tiên từng làm việc ở Mông Cổ cho đến khi các chế tài xử phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu họ trở về nước vào năm ngoái.
Ulan Bator đã ký kết một số hiệp định kinh tế với Washington và quân đội Mỹ đồng tài trợ cho cuộc tập trận Khaan Quest hàng năm ở Mông Cổ.
Thụy Sĩ
Với chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc vào tháng trước, không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có thêm các chuyến đi xa xôi hơn nữa.
Ông Kim từng có thời gian dài học tập tại Thụy Sĩ vào những năm 90, cùng với anh trai và em gái của mình, vì vậy ông đã quen thuộc với đất nước này. Thụy Sĩ cũng nổi tiếng là quốc gia duy trì tính trung lập trong nhiều thế kỷ và có một Đại sứ quán của Triều Tiên.
Các quốc gia vùng Scandinavia
Thụy Điển và Phần Lan đều vừa tiếp đón các quan chức cấp cao của Triều Tiên tháng trước. Ngoại trưởng Ri Yong-ho đã đến Stockholm và Helsinki đã tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức giữa các chuyên gia Mỹ và đại diện Triều Tiên - một sự kiện mà Na Uy cũng từng tổ chức năm ngoái.
Thụy Điển vẫn được biết đến là quốc gia có một lịch sử lâu dài làm trung gian giữa Bình Nhưỡng và Washington. Ngoài ra, Thụy Điển cũng là nước đầu tiên ở phương Tây mà Triều Tiên đặt quan hệ ngoại giao.
Đặc biệt hơn, cả Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un đều cân nhắc về một địa điểm lịch sử từng chứng kiến Hiệp định Helsinki năm 1975, được ký kết giữa Tổng thống Mỹ Gerald Ford và nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev nhằm cải thiện mối quan hệ giữa phương Tây và khối cộng sản ở Đông Âu.
“Việt Nam ủng hộ nỗ lực mang tính xây dựng, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh và ổn định của bán đảo Triều Tiên nói riêng và thế giới nói chung”.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao nói thêm: “Việt Nam sẵn sàng có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
Nóng trong ngày >>> Vụ giáo viên bạo hành trẻ ở Nghệ An: Đình chỉ cơ sở mầm non