Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

Thuở còn bé ở quê nghèo, mơ màng đọc những quyển sách giấy đen thùi lùi nhưng vẫn sáng ngời lên vẻ diễm lệ của Taj Mahal qua bút pháp tài tình của các văn, thi sỹ.

Nhiều kỳ quan trên thế giới đều được phong hoặc tự phong cho mình là kỳ quan thế giới thứ 8, nhưng theo nhiều người, có lẽ Taj Mahal là xứng đáng nhất với danh hiệu này. Nhiều người cũng cho rằng, đến Ấn Độ mà chưa viếng Taj Mahal cũng xem như là chưa đến Ấn.

Dù đã từng ngỡ ngàng với thánh đường Masjid Jama, Red Fort, lăng Humayun… tôi vẫn sững sờ khi vừa chạm trán Fatehpur Sikri.

Fatehpur Sikri đây! Bạn nhìn những con người bé xíu bên dưới để tưởng tượng về chiều cao hoành tráng của Fatehpur Sikri nhé!

Nằm cách Agra 26km, thành phố bị bỏ hoang Fatehpur Sikri từng là kinh thành của vương triều Mughal, dưới thời vua Akbar, vị vua thứ 3 của triều đại các Mughal, sau Babur và Humayun.

Những năm 1560, khi 2 vị hoàng tử sinh đôi của Akabr qua đời, quốc vương đến viếng thăm vị giáo sĩ Salim cư ngụ ở làng Sikri. Salim tiên đoán rằng sắp tới Akbar sẽ có hoàng nam.

Đúng như vậy, năm 1569, tại Sikri, hoàng hậu hạ sinh 1 hoàng nam và được đặt tên là Salim để tỏ lòng kính trọng vị giáo sĩ. Năm sau, Akbar quyết định sẽ xây dựng cung điện hoàng gia và kinh thành ở đây để tôn vinh vị giáo sĩ này. Từ “Fateh” tiếng Á Rập, Ba Tư đều có nghĩa là chiến thắng.

Được xây dựng từ 1570, Fatehpur Sikri trở thành kinh thành từ năm 1571 đến năm 1585. Sau đó kinh thành này đã bị bỏ hoang khi nhà vua Akbar dời kinh đô đi nơi khác, Lahore. Lý do vẫn chưa rõ, nhưng nhiều sử sách cho rằng vì nguồn nước nơi đây trở nên khô cạn hoặc vua Akbar cần dời đến Lahore để gần hơn, dễ chiến đấu hơn với quân đội Afhganistan và Ba Tư đang lăm le tấn công Ấn Độ vào lúc bấy giờ.

Kinh thành hoang phế Fatehpur Sikri rộng thênh thang với rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử, đã được Unesco công nhận.

Xây dựng theo kiến trúc Ba Tư và Ấn Độ và hoàn thành năm 1571, Jama Masjid rất nổi bật với cái cổng Buland Darwaza (Victory Gate). Cao 54m, đây có lẽ là cánh cổng to nhất châu Á. Cổng này có tên Victory vì nó được xây dựng mừng chiến thắng ở Gujarat của vua Akbar. Sau khi leo lên những bậc thang cao ngút ngàn, mà khi say chắc phải bò lên quá, tôi ngỡ ngàng nhè nhẹ chạm tay vào cánh cổng thành vĩ đại không hề thay đổi dù đã bị bỏ hoang phế hơn 4 thế kỷ qua.

Nắng đã rớt bên ngoài thành

Chỉ còn hắt lên đôi chút trong sân mênh mang của thánh đường

Làm bằng đá sa thạch đỏ, chạm khắc tô điểm bằng cẩm thạch trắng và những phù điêu điêu khắc, những mái vòm trắng tinh tế… cổng thành thật rực rỡ, nhất là khi nắng chiều muộn phủ một màu đỏ nhè nhẹ huyền hoặc. Chiếc cổng thành xem như không thay đổi bao nhiêu trải qua bao tháng năm dãi dầu sương gió, là thêm một điểm cộng nữa cho Ấn Độ huyền bí và quyến rũ.

Hoàng hôn rực rỡ trên góc thánh đường hùng vĩ như pháo đài với tường thành hoành tráng

Sân của giáo đường thênh thang và trong cái rủi vì đi trễ có cái may là ở đây cũng không đông lắm. Bên ngoài thành còn thấy chút nắng nhưng vào bên trong, hoàng hôn đã chập choạng nơi góc thành.

Dù cổng thành bên kia vẫn còn nắng, nhưng thật sự chiều đã về rất muộn

Hoàng hôn trên điện chính thánh đường

Thánh đường khi nắng đã tắt

Chiều đã về nên nên ở điện thờ chính, vốn vẫn trống vắng không tượng thờ. Như các thánh đường Hồi giáo khác, nơi này lôi cuốn khách du bằng những điêu khắc tinh xảo của mái vòm, trên tường,… và cái hành lang đỏ hun hút chạy dài cũng vắng thênh thang.

Những điêu khắc chạm trổ trên tường của thánh đường này khác hẳn với Masjid Jama ở Delhi. Đó là những hoa văn chạm trổ rất chi tiết và cầu kỳ trên tường chứ không như những đường cong chạm trổ mềm mại, khỏe khoắn là điểm lôi cuốn của Masjid Jama ở Delhi. Trong điện vắng tênh, một vị giáo sĩ vẫn nhẫn nại ngồi đọc kinh, thỉnh thoảng giương mắt nhìn ơ hờ đám khách lạ tò mò tọc mạch, đang làm ồn ào vấy bụi chốn thâm nghiêm.

Những hoa văn nhiều màu sắc tinh xảo trong điện chính của thánh đường

Hành lang hun hút vắng bên thánh đường

Một ngôi đền khác trong khuôn viên thánh đường

Ngoài điện chính của 1 thánh đường Hồi giáo, điểm thu hút du khách ngay khi bước vào trong cửa thành là ngôi mộ cẩm thạch trắng toát của vị giáo sĩ Saikh Salim Chishti. Ngôi mộ này được hoàn thành vào 1581, để tưởng nhớ đến vị giáo sĩ tài ba này.

Độc đáo nhất của ngôi mộ này phải kể đến những tấm “rèm cửa” làm bằng đá cẩm thạch vô cùng mỏng manh và tinh xảo. Không hiểu sao người ta có thể mài đá bằng những dụng cụ thô sơ của thời ấy trong thời gian bao lâu để có được tác phẩm này.

Nhiều người cho rằng, “tấm rèm” cẩm thạch ở đây tinh xảo nhất châu Á, so với các tác phẩm cùng nhóm. Được sử dụng như các bức tường của tòa lăng mộ, “những rèm đá” này vừa có tác dụng chắn sáng vừa có tác dụng nhập ánh sáng vừa đủ, làm cho bên trong lăng mộ luôn có 1 thứ ánh sáng dìu dịu huyền hoặc. Trên tường là những hoa văn được chạm chắc bởi đá màu và xà cừ lấp lánh rất tinh xảo và đẹp đẽ. Chẳng hiểu sao người Hồi giáo không có điện thờ nhưng trong lăng mộ này lại có 1 điện thờ trước ngôi mộ đá của vị giáo sĩ.

Lăng mộ của giáo sĩ Saikh Salim Chishti

Điêu khắc tinh xảo trước cửa mộ

“Rèm đá” bên ngoài và bên trong

Đêm đã sắp về trên Masjid Jama ở Fatehpur Sikri

Nếu bạn may mắn lang thang trong lăng mộ này lúc vắng, vuốt ve những tấm rèm đá mong manh, nhìn ánh sáng nhè nhẹ xuyên qua rèm, phả một màn sáng trắng mờ nhè nhẹ trong mộ tối lấp lánh những hoa văn đá màu hay xà cừ tinh xảo… cảm giác thật huyền bí… Nhưng nói trước là bạn phải đi vào đầu hay cuối ngày và phải thật may mắn với có không gian riêng cho mình như vậy.

Dù sao, chúng tôi cũng chuẩn bị cho buổi chia tay nho nhỏ tối nay. Khuya ngày mai, sau khi lang thang Taj Mahal & Agra, tôi sẽ lại một mình lủi thủi đi tiếp về hướng Tây, hướng về sa mạc Thar. Chắc đêm nay Kingfisher lại đổ như suối nữa rồi!

Backpackervn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.