Người Đưa Tin (NĐT): Xin ông cho biết về những kết quả nổi bật của Agribank Điện Biên đạt đượctrong năm qua, đặc biệt vấn đề nguồn vốn đáp ứng cho nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà?
Ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Agribank Điện Biên: Năm 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Nhưng Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, nỗ lực, linh hoạt vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Trụ sở chính giao.
Trong đó, nổi bật là chỉ tiêu Nguồn vốn, tính đến ngày 31/12/2023 tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 5.648 tỷ đồng, tăng 454 tỷ đồng (tương ứng 8,7% so với cùng kỳ) so với đầu năm; đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu vốn cho vay tại tỉnh, đặc biệt là nguồn vốn cho vay lĩnh vực ưu tiên Nông nghiệp Nông thôn. Nguồn vốn này đã đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên.
NĐT: Thưa ông, những năm gần đây Agribank Điện Biên đã dành tỉ trọng bao nhiêu cho dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Tại Agribank, chúng tôi luôn hướng nguồn vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Những năm gần đây, Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên luôn dành tỉ trọng trên 55% tổng dư nợ để cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân; tích cực hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đến hết 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn của Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên đạt 3.984 tỷ đồng, chiếm trên 56% tổng dư nợ, với tổng số 15.611 khách hàng.
NĐT: Với đặc thù một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đa phần khách hàng vay vốn tại Agribank là các hộ nông dân. Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân khu vực nông thôn, Agribank Điện Biên đã và đang có những chính sách hỗ trợ đặc biệt như thế nào?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân khu vực nông thôn, Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên thường xuyên tiếp xúc làm việc với chính quyền địa phương, các tổ chức tại cơ sở như Hội Nông Dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ…, làm việc trực tiếp với khách hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.
Ngoài ra, Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên còn triển khai ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng để đưa vốn và nhiều dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Thực hiện giảm lãi suất cho vay theo quy định, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác truyền thông về các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp/khách hàng gặp khó khăn.
Năm 2023, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và Agribank như chính sách miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19; các chương trình giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh…
Để giải ngân vốn thành công, chúng tôi cũng phải hỗ trợ bà con hết sức trong việc cho các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng hướng dẫn bà con trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt là phát triển mô hình chăn nuôi phát triển song song với sản xuất.
Theo đó, Agribank luôn đặt mục tiêu giúp đỡ, hỗ trợ người dân lên hàng đầu để giúp sử dụng hiệu quả nhất đồng vốn vay từ ngân hàng.
NĐT: Là đại diện ngân hàng, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Agribank Điện Biên trong việc hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận vốn, xa hơn là câu chuyện góp phần giúp xoá đói giảm nghèo tại tỉnh Điện Biên?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Cùng với nhiệm vụ kinh doanh thì nhiệm vụ chính trị, ở đây là câu chuyện an sinh xã hội cũng trách nhiệm đối với các cán bộ, viên chức của ngân hàng chúng tôi. Việc chia sẻ với người dân còn khó khăn chính là truyền thống của Agribank Điện Biên nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng Agribank trên cả nước nói chung.
Trên thực tế, Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên luôn là đơn vị đóng vai trò chủ lực cho vay trong lĩnh vực tam nông tại tỉnh Điện Biên.
Những năm gần đây, Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên luôn dành phần lớn tỉ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân; tập trung cho vay các lĩnh vực trọng điểm như trồng trọt; chăn nuôi; trồng trọt và chăn nuôi hỗn hợp; hoạt động dịch vụ; nông sản, lâm sản, thủy sản…
Những năm qua, nguồn vốn vay của Agribank đã giúp hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên tạo sinh kế, tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Các xã, thôn bản có thêm nguồn lực, kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hoá, thay đổi diện mạo nông thôn.
Thực tế cho thấy, trong thành tựu hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh Điện Biên, nguồn vốn cho vay của Agribank đóng vai trò là nguồn lực quan trọng thúc đẩy xây dựng NTM, khẳng định vị thế “đầu tàu” của Agribank trong việc hoàn thành các chỉ tiêu chương trình xây dựng NTM của tỉnh.
NĐT: Để phát triển kinh tế của địa phương, bên cạnh nông nghiệp thì cũng cần phải có nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là những nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu nhỏ. Để đồng hành với nhóm doanh nghiệp này, Agribank Điện Biên đã, đang và sẽ có những chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Để đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ổn định và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Agribank đang có chương trình tài trợ 10.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi ngắn hạn với lãi suất thấp hơn so với sàn lãi suất cho vay thông thường.
Chương trình hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để bổ sung vốn lưu động trong ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh. Ưu tiên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch…
Đồng thời góp phần thực thi hóa các cam kết thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển bền vững theo cam kết của Agribank về môi trường – xã hội – quản trị (ESG).
Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh cho vay các đối tượng ưu tiên, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay theo chuỗi liên kết.
Đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bảo đảm an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiệu quả. Từ đó góp phần tạo nguồn lực giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
NĐT: Thời gian tới, Agribank Điện Biên sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào nhằm tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và khách hàng, hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh phục hồi kinh tế trong năm 2024 cũng như các năm tới?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Thời gian tới, Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của Chi nhánh Ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, đẩy mạnh huy động vốn trên địa bàn, tập trung ưu tiên vốn cho vay sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và của Agribank.
Triển khai cho vay ưu đãi đối với các khách hàng có tài chính lành mạnh theo các Chương trình ưu đãi lãi suất của Agribank, đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh như điều chỉnh giảm lãi suất, miễn giảm lãi…
Từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai hàng loạt các Chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Cụ thể như Chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp lớn với quy mô khoảng 20.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay ưu đãi tài trợ Dự án đầu tư dành cho Khách hàng Doanh nghiệp với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay ngắn hạn đối với Khách hàng cá nhânphục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với quy mô 20.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất đối với Khách hàng cá nhân với quy mô tối đa 10.000 tỷ đồng…
NĐT: Xin chân thành cảm ơn ông vì những chia sẻ trên! .