Nhóm phóng viên Người đưa tin đã có cuộc khảo sát thực tế và tìm hiểu sự việc.
Đặt chân đến phía Tây Nam thượng nguồn hồ Bộc Nguyên, thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), trước mắt chúng tôi là cả một dãy núi đồi thuộc rừng thông đầu nguồn được trồng từ những năm 90 và các loại cây khác như keo, tràm, bạch đàn...nằm ngổn ngang. Mới ngày nào chúng đang tươi tốt bền vững, góp phần sinh thủy cho hồ Bộc Nguyên (hồ cung cấp nước sinh hoạt cho cả TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận), mà nay dưới tác động của bàn tay con người, chúng đã nằm la liệt, tan tác. Hiện, có khoảng 2 ha đã bị máy đào sâu đến mấy mét. Hàng chục cây thông to có đường kính từ 20 - 25cm bị xới tung gốc.
Đất rừng khu vực đầu nguồn hồ Bộc Nguyên bị khai thác sâu mấy mét.
Theo một cán bộ quản lý hồ chứa nước Bộc Nguyên cho hay: Từ trước tới nay, khu vực rừng đầu nguồn ở đây luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng không hiểu thời gian qua, tổ chức cá nhân nào đã huy động máy xúc, máy đào với hàng chục ô tô chở đất suốt ngày đêm, khiến dãy đồi núi giáp ngay hồ Bộc Nguyên trở nên tan hoang. Nếu cứ đà khai thác đất tự do kiểu như hiện nay, khi lũ về gây lỡ núi, nguy cơ toàn bộ nghĩa địa trong khu vực sẽ trôi theo dòng nước đổ xuống lòng hồ Bộc Nguyên, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là khu rừng đầu nguồn, trước do BQL RPH Thạch Hà quản lý, nhưng những năm 90, thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho các hộ gia đình, một công dân ở xã Thạch Điền đã đứng ra nhận khoán khu vực rừng này. Một thời gian sau, hộ gia đình này đã giao lại cho ông Hùng, một người dân thuộc xã Thạch Điền, làm nghề thầu xây dựng. Mới đây, không hiểu ai đã bảo kê cho ông Hùng chặt phá cây cối, đào bới hàng ngàn m3 đất tại khu đất này đi bán (?!)
Khi lũ về gây lỡ núi, nguy cơ toàn bộ nghĩa địa này sẽ trôi xuống lòng hồ Bộc Nguyên.
Để tìm hiểu về vấn đề trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Hữu Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Điền. Sau những câu hỏi xung quanh việc ai đã cấp phép cho ông Hùng chặt phá cây cối, khai thác mỏ đất như vậy, ông Thanh trả lời: "Vùng rừng đầu nguồn tại khu vực nói trên do cá nhân chuyển nhượng cho nhau, nay thuộc về ông Hùng sử dụng. Để mở rộng khu vực nghĩa trang của xã, UBND xã đã thống nhất cho ông Hùng khai thác đất đi bán để lấy mặt bằng”. Xung quanh việc thanh lý tài sản trên đất (cây), ông Thanh không trả lời được câu hỏi phóng viên đưa ra. Cũng theo ông này, đây là chủ trương của xã, chứ không được cấp có thẩm quyền nào cho phép, bởi vị trí này sát ngay hồ Bộc Nguyên, nguyên tắc, không được phép cấp mỏ. Vì vậy, xã đã bàn với ông Hùng, thống nhất cho ông khai thác đất đi bán để đôi bên cùng "có lợi".
Với 2 ha đồi bị khoét sâu hoắm, hàng nghìn m3 đất được bán êm xuôi, không biết ông Hùng đã bỏ túi được bao nhiêu? và xã Thạch Điền hoặc một số cá nhân đã "lợi" được những gì? khi hàng chục vạn người dân thành phố Hà Tĩnh và các vùng phụ cận đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm từ hệ lụy khai thác đất trái phép này.
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh cho biết: “Hồ Bộc Nguyên hiện có trữ lượng 19,8 triệu m3, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho cả thành phố Hà Tĩnh và một số vùng lân cận. Để nâng cấp, đưa tổng trữ lượng nước trong hồ Bộc Nguyên lên 24,5 triệu m3, Công ty đã và đang thực hiện dự án nâng cấp lòng hồ với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Việc một số cá nhân lợi dụng chặt phá cây cối, san ủi, khai thác đất ngay sát ngay trên đầu nguồn hồ là một việc làm bất chấp pháp luật, ảnh hưởng đến nguồn sinh thủy cũng như môi trường của hồ Bộc Nguyên. Vì thế, Công ty đề nghị tỉnh, huyện, cần sớm ngăn chặn nạn phá rừng khai thác đất bừa bãi, trả lại môi trường trong lành cho thượng nguồn hồ Bộc Nguyên.
Công Lâm