Liên quan đến việc Bắc Ninh vừa qua "cầu cứu" Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đề nghị dừng dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt thực tế tại "điểm nóng" nạo vét cát để ghi nhận.
Tại khúc sông Cầu khu vực Xuân Thủy thuộc xã Quế Tân và đoạn thuộc xã Việt Thống, Phù Lương (Quế Võ – Bắc Ninh), PV ghi nhận cảnh nhiều tàu thuyền cỡ lớn trang bị gầu xúc vẫn “lượn lờ” qua lại khu vực nhưng không hút cát, sỏi. Một số khác thì thả neo nằm im lìm ven bờ.
Ven sông Cầu thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cảnh sạt lở diễn ra ở nhiều điểm, nước ăn vào sát chân đê, có đoạn chỉ cách chân đê chừng 2 bước chân.
Bức xúc trước cảnh tàu cát “tận diệt” sông Cầu suốt ngày đêm, nhiều người dân xã Quế Tân cho biết: “Tàu hút cát hoạt động có hôm vài chục chiếc cả ngày lẫn đêm, rất đông đúc”.
“Có lúc chúng dạt sát vào bờ sông vươn vòi xuống sục sạo. Đặc biệt là khi đêm xuống, tiếng máy móc sục sạo tạo nên tiếng ồn vang khắp cả khu vực khiến người dân chúng tôi không thể ngủ được”, một người dân địa phương chia sẻ. Người dân cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do dầu, mỡ thải ra sông từ các tàu khai thác cát. “Có hôm chỉ toàn dầu, mỡ… loang lổ khắp mặt sông”, một số người dân cho biết.
Chung một dòng sông, việc “cát tặc” núp danh tàu nạo vét lộng hành, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Tại xã Thắng Cương (huyện Yên Dũng), tình trạng sạt lở khiến nhiều nhà dân bị nứt tường. Theo người dân ở đây, vấn nạn cát tặc lộng hành trên đoạn sông Cầu chảy qua địa phương diễn ra vài năm nay. Có lúc trên khúc sông ngắn nhưng có tận 40-50 tàu trọng lượng đến gần 1.000 tấn tập trung.
Quá bức xúc, người dân đã cắm biển cảnh báo tàu hút cát “cách xa bờ 20m không vỡ đầu”. Thậm chí nhiều người dân trong xã vì quá tức giận, đã dùng chai, gạch ném “dằn mặt” “cát tặc”.
Anh Phạm Văn Đương, một trong số người dân tại xã cho biết, có lần 2 vợ chồng anh đuổi “cát tặc” thì bị các đối tượng cầm hung khí định sang thuyền để đe dọa.
Ông Phạm Văn Điện, người dân thôn Thắng Lợi Hạ (huyện Yên Dũng) thì nghi ngờ có sự bảo kê cho “cát tặc”. Ông cho biết: “Khi người dân chúng tôi chống trả quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của mình thì các thuyền cát lại tự đi hết. Nhưng sau một vài hôm chúng lại quay lại. Nếu khai thác đúng quy định của Nhà nước thì họ không bao giờ phải bỏ chạy”.
Cũng nghi ngờ có chuyện bảo kê, một vài người dân xã Thắng Cương cho biết: “Cứ mỗi lần có báo chí hay đoàn kiểm tra thì các tàu cát lại im ắng, chắc chắn có người báo trước. Nhưng nói thật, cứ độ 3 rưỡi sáng là có 8–10 tàu, có hôm có 15 cái ép sát chân đê hút cát. Để bảo vệ đê, người dân phải dùng gạch đá, chai lọ thủy tinh để xua đuổi tàu hút cát ra xa”.
Trưởng thôn Thắng Lợi Hạ Nguyễn Văn Thất nói: “Đúng ra phải nói là họ mượn danh nghĩa nạo vét để khai thác cát bất hợp pháp. Còn về việc nạo vét thì có, tôi có nhận được công văn của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho nạo vét. Nhưng việc nạo vét ở đây không phải là nạo vét mà mượn danh nghĩa để hút cát trái phép”.
Dẫn chúng tôi đi thực tế, bức xúc trước cảnh “cát tặc” núp danh nạo vét, lộng hành sông Cầu, anh Nguyễn Xuân Hiếu - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết: “Cảnh hút cát trên sông cũng giống như xúc gạo trong thúng, xúc một bên thì bên này chảy xuống do đó việc hút cát nạo vét luồng lạch dù diễn ra ở phía sông Bắc Giang hay giữa lòng sông thì Bắc Ninh cũng ảnh hưởng".
Cũng theo vị cán bộ trẻ, năm 2014, cục Đường thuỷ nội địa, bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận cho dự án nạo vét duy tu luồng, tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn chảy dọc 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Dự án này do cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh từ năm 2015 đến nay đã không cấp phép cho đơn vị nào thực hiện dự án như trên. Nhưng việc thực hiện dự án nạo vét trên địa bàn Bắc Giang gây ảnh hưởng đến Bắc Ninh. Dù tỉnh Bắc Ninh nhiều lần kiến nghị dừng nhưng gần đây, nhất là từ khoảng những ngày từ 26/2 đến 12/3, các tàu cát hoạt động rầm rộ trở lại gây bức xúc… Đến vài ngày gần đây thì đã giảm.
Một trong những hậu quả nghiêm trọng mà việc nạo vét, hút cát gây ra trên sông Cầu là vào ngày 1/3/2016, vị trí K74+400–K74+500 đê hữu sông Cầu thuộc địa phận huyện Quế Võ xảy ra sạt lở với chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi 5-10m. Ngoài ra, theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Võ, toàn tuyến đê có 3 vị trí sạt lở nghiêm trọng nên tỉnh Bắc Ninh đã phải chi 30 tỷ đồng để xử lý sự cố. Vị này cũng cho biết, việc hút cát đem bán sẽ mang lại “siêu lợi nhuận” cho những tổ chức, cá nhân tham gia khai thác.
Anh Hiệp, một chủ bãi tập kết vật liệu trên địa bàn huyện Quế Võ cho biết: Cát ở sông Cầu có trữ lượng rất lớn. Loại cát này được xếp vào loại cát đẹp, giá bán rất cao so với nơi khác.
Bình quân cát đen thì khoảng vài chục ngàn đồng/m3. Cát vàng thì khoảng 400 ngàn đồng/m3. Như vậy, với tàu có trọng lượng lớn thì mỗi tháng một tàu hút cát thu về cả trăm triệu đồng. Vì lợi nhuận như thế nên có nhiều đối tượng rất manh động.
Theo ông Trịnh Hữu Hùng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 26/2, công ty cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu - đơn vị thi công dự án - bắt đầu đưa tàu vào hút cát trên sông Cầu. UBND huyện Quế Võ đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra và ngăn chặn việc hút cát ồ ạt. Kết quả kiểm tra, mỗi ngày trên sông Cầu, đoạn qua xã Việt Thống có khoảng 20-25 tàu, tại xã Quế Tân có khoảng 15 tàu, tại xã Phù Lãng có khoảng 20-25 tàu, tổng cộng có gần 60 tàu hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Theo báo cáo của bộ GTVT, về tiến độ thi công dự án từ cuối năm 2016, số lượng tàu hút chỉ có 4 chiếc và 4 tàu chở hàng. Tuy nhiên, khi dự án khởi động trở lại có đến 60 tàu hút cát thì đây là tàu của chủ đầu tư hay tàu khai thác cát trái phép? Trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho biết: “Đây là phạm vi quản lý của chủ đầu tư, tất cả tàu vào khai thác phải đăng ký với chủ đầu tư. Những tàu này đỗ tại vị trí mà nhà đầu tư đăng ký để khai thác”.
Trước đó, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng cục Đường thủy nội địa cũng thẳng thắn thừa nhận: “Hiện nay có tình trạng cát tặc, các lực lượng dùng biển hiệu nạo vét tận thu và việc xử lý cát tặc là trách nhiệm của địa phương, cảnh sát giao thông đường thuỷ".
Trong khi đó, trả lời báo chí, lãnh đạo huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tình trạng này. Không phải như bắt hàng lậu trên đường mà việc bắt “cát tặc” trên sông phải có lực lượng và phương tiện đủ mạnh. Bên cạnh đó là tình trạng mập mờ không rõ đâu là đơn vị được cấp phép khai thác, đâu là thuyền của “cát tặc” nên mặc dù được giao xử lý nhưng rất khó để phân biệt các trường hợp này. Đặc biệt, theo vị lãnh đạo huyện, lực lượng "cát tặc" cũng có một đội quân đông đảo làm nhiệm vụ “chim lợn” khi cán bộ ra đến cổng là bọn chúng đã biết rồi nên khi đến nơi thì các tàu đã đi xa, không làm gì được.
Nhất Nam