"Công tắc" nằm trong tay ai?
Câu chuyện lại thêm một lần nữa gây bức xúc trong dư luận khiến đích thân chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phải lên tiếng đề nghị các ban ngành của TP. phải rà soát lại Dự án làm bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất. Theo đó, chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu cầu các sở GTVT chủ trì cùng các sở Quy hoạch-Kiến trúc, Xây dựng tiếp tục rà soát vị trí quy hoạch bãi đỗ xe, nhất là các điểm đã được dư luận phản ánh để kịp thời điều chỉnh nếu thấy không phù hợp.
Công viên Tuổi trẻ - điển hình cho công nghệ "xẻ thịt" công viên
Vấn đề cũng chẳng có gì phải bàn khi việc xây dựng các điểm trông giữ xe trong thời điểm hiện nay là điều cấp thiết. Thế nhưng, nó lại là một chuyện đáng phải lên tiếng khi mà trước đó, chính UBND TP.Hà Nội cho phép Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đầu tư xây dựng dự án Xây dựng giàn thép đỗ xe công cộng góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Trần Nhân Tông, trong khuôn viên công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Dự án khoảng 3.000m2 trong khuôn viên công viên Thống Nhất, trong đó làm giàn thép đỗ xe khoảng 1.000m2, với sức chứa 400 xe (17 block đỗ xe cao 4 tầng). Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2013.
Cùng với bãi đỗ xe này, sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội lại mới đề nghị Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH Một thành viên công viên Thống Nhất báo cáo UBND TP. xem xét chấp thuận vị trí lập Dự án đầu tư xây dựng thêm một bãi đỗ xe cao tầng lắp ghép trong công viên Thống Nhất để phục vụ hoạt động của công viên và nhu cầu của dân cư xung quanh khu vực. Như vậy, nếu được TP. thông qua dự án này, tại công viên Thống Nhất sẽ có tới 2 bãi đỗ xe.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên TP.Hà Nội phải đau đầu với hiện tượng các công viên bị "xẻ thịt" vô tội vạ hàng loạt như: Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng), công viên Hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa), Hòa Bình (huyện Từ Liêm), Nguyễn Trãi (quận Hà Đông)... Trong báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu HĐND mới đây, UBND TP.Hà Nội cũng phải thừa nhận hàng loạt những sai phạm đang xảy ra ở những công viên này, rồi hứa hẹn sẽ mạnh tay xử lý.
Đứng đầu bảng danh sách này phải kể đến công viên Tuổi trẻ, với 25 hạng mục sai quy hoạch, phải phá dỡ 23 hạng mục. Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, dù đã được điểm mặt chỉ tên những công trình vi phạm cần tháo dỡ từ những năm 2007, nhưng thực tế tất cả vẫn nhởn nhơ tồn tại sinh lời cho một nhóm người nhất định. Thậm chí, nhiều công trình hiện đại hơn như: Sân bóng đá cỏ nhân tạo, tennis... cũng "đua nở", chiếm dụng không gian vui chơi, thư giãn của người dân.
Không kém cạnh, công viên hồ Ba Mẫu (sát đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ lâu cũng bị một nhà hàng chiếm dụng nguyên một góc hồ để thực hiện chức năng kinh doanh, ăn uống gây phản cảm, mất mỹ quan, môi trường đô thị. Người dân sinh sống gần hồ cho biết, với lượng khách ra vào tấp nập, hàng ngày nhà hàng này sẽ đưa xuống lòng hồ một lượng nước, rác thải không hề nhỏ, song không hiểu sao vẫn không bị cơ quan chức năng sờ gáy. Phải chăng chính quyền địa phương biết hay cố tình phớt lờ cho tình trạng vi phạm tái diễn trong suốt thời gian qua?!
Công tác quản lý có vấn đề?!
Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay: "Tình trạng đất vàng đang bị chiếm dụng một cách hoang phí ở đâu chưa bàn đến, nhưng minh chứng rõ nhất đó là công viên Tuổi trẻ. Trong khi, chúng ta cứ kêu thanh niên thiếu chỗ chơi nên bị cuốn vào các trò chơi không lành mạnh, nhưng chính hoạt động kinh doanh đã chiếm dụng chỗ chơi của thanh niên. Đấy là những vấn đề người ta thường phản ánh, báo chí cũng đưa nhiều nhưng không thấy ai quan tâm cả.
Nhìn vào công viên hiện nay người ta sẽ thấy sự lộn xộn, bừa bãi, gọi là công viên chứ có ai vào đâu. Đáng lý ra, đơn vị này không quản lý được thì phải xử lý, thu hồi, sao cứ phải chấp nhận đứng nhìn họ xâm phạm một cách bừa bãi. Thiếu gì những việc làm ở đấy, sao cứ để cho công viên bị băm năm xẻ bảy cho các dịch vụ không phải của nó".
Thế nhưng, trả lời PV về việc gia tăng các công trình xây dựng trong công viên Tuổi trẻ, ông Giang Tuấn Khanh, PGĐ Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội (đơn vị được giao quản lý công viên - PV) không quên đổi trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho UBND quận Hai Bà Trưng và biện minh: Trong quá trình hoạt động, công ty đã liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp, cá nhân xây dựng các công trình không theo quy hoạch buộc phải tháo dỡ khiến công ty đang phải đối mặt với việc các đối tác của các công trình này kiện đòi bồi thường.
Hiện nay, tổng số nợ của công ty lên đến vài chục tỷ đồng nên "xã hội hóa" là biện pháp duy nhất để triển khai các dự án trong công viên theo quy hoạch được phê duyệt.
Bàn về việc tăng thêm công năng cho công viên Thống Nhất, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội khẳng định: "Trong quy hoạch, công viên Thống Nhất năm 1994 và năm 2004 đều nói sẽ có phần diện tích dành cho bãi đỗ xe. Về nguyên tắc, trong công trình công cộng phải có tỉ trọng diện tích dành cho bãi đỗ xe. Tuy nhiên, cần phải xem xét đối tượng phục vụ cho ai, nếu phục vụ cho khu dân cư xung quanh thì cần xem xét lại".
Trong khi thực hiện bài viết này, PV Người đưa tin nhận được phản ánh của những người dân đang sinh sống gần công viên cây xanh Đống Đa về tình trạng "trơ gan cùng tuế nguyệt" của công trình gắn thành tích chậm trễ hơn một thập kỷ qua. Chẳng là cách đây gần 12 năm, khi TP. có chủ trương xây dựng công viên, gần 1.000 hộ dân trong khu vực quận Đống Đa (Hà Nội) háo hức bàn giao nhà, đất với hy vọng có một công viên cây xanh bấy lâu mà người dân hằng mong muốn. Thế nhưng, đáp lại là một đống hoang tàn và có nguy cơ công viên trở thành bãi rác, nơi tập kết phế thải.
Theo ghi nhận của PV, do dự án bị treo, bỏ hoang nhiều năm nên ở những khu vực dự án đã giải phóng mặt bằng nay xuất hiện tình trạng lấn chiếm trở lại. Tại đây, hiện đã mọc lên các khu nhà xưởng, cùng với đó nhiều hộ dân dựng tạm nhà để kinh doanh, làm nơi chứa vật liệu, phế liệu xây dựng.
Được biết, Dự án Công viên văn hóa Thể thao, vui chơi Đống Đa do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư có diện tích 7,26 ha, phải GPMB khoảng 900 hộ dân và 4 cơ quan đơn vị. UBND quận Đống Đa đã GPMB được 2,65 ha. Đầu tháng 4/2008, Thành phố nhận được đề nghị của nhà đầu tư Hunggary xin được vào nghiên cứu đầu tư công viên. Tuy nhiên, nhà đầu tư có đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, dành một phần diện tích để kinh doanh, không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt và không đủ năng lực tài chính để triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đăng tải thông tin kêu gọi các nhà đầu tư, nhưng chưa có thêm nhà đầu tư nào đăng ký vào đầu tư xây dựng.
Đến tháng 4/2011, Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đã có văn bản đề nghị xây dựng dự án công viên vui chơi giải trí, Trung tâm thể dục thể thao phục vụ nhân dân, trụ sở công quyền theo phương thức xây dựng - chuyển giao. Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở khâu: Lập quy hoạch!
Buông lỏng, chậm xử lý, thiếu phối hợp? Trong bản báo cáo mới đây nhất, UBND TP.Hà Nội cũng thừa nhận, bên cạnh những lý do khách quan, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trong công viên bị buông lỏng trong thời gian dài, chậm được xử lý, giải quyết. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ngành TP. với chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước đối với công viên chưa chặt chẽ. |
Trần Quyết