Sau đó, cuộc đối thoại tay đôi nhanh chóng biến thành màn đối đầu đầy bạo lực. Một cái tát vào má. Một ly nước tạt thẳng vào mặt. Một cú phi thân tung cước vào đối thủ. Những phân cảnh hành động nghẹt thở đó đã lọt vào máy quay của một facebooker và khiến dư luận một phen dậy sóng.
“Nhân vật chính” trong đoạn clip ấy lại là một nữ sinh sư phạm đang theo học tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Lẽ nào chúng ta sắp được chào đón một cô giáo... nội công thâm hậu như “bậc anh hùng giữa thời loạn”?
Vâng, ai muốn con cái được trau dồi võ nghệ, hãy gặp cô ấy! Ai muốn con cái “lửa thử vàng, gian nan thử sức” theo đúng nghĩa đen của nó, hãy đăng kí lớp học của cô ấy! Khi đó, bạn sẽ là người can đảm nhất thế gian dám “giao trứng cho ác”!
Bắt rễ từ những mâu thuẫn vụn vặt trên mạng xã hội, nỗi bức xúc dồn nén lâu ngày cuối cùng cũng dẫn tới đánh đấm, chửi bới - mô-típ này đã tồn tại từ lâu trong xã hội hiện đại, là một loại bệnh được “kê đơn” liên tục. Nhưng tình trạng “kháng thuốc”, “lờn thuốc” vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục.
Bản chất một con người thường được bộc lộ qua cách nói năng, thái độ và hành động của anh ta. Dù đã cố tìm lí do để biện hộ giúp cô nữ sinh kia, nhưng thú thật tôi vẫn phải ngã mũ chào thua và gật đầu đồng ý với đa phần ý kiến của dư luận: “Trong môi trường sư phạm, thật khó chấp nhận một sinh viên hành xử như thế!”
Điều chỉnh cảm xúc, hành vi là kĩ năng quan trọng của một người thầy. Quan điểm cảm hóa để có một công dân tốt như thầy phó hiệu trưởng trường sở tại rất nhân văn. Nhưng dung thứ cho một cái xấu ờ thì hiện tại chẳng khác nào tự tay “ươm mầm” cho những điều tồi tệ hơn cho con em chúng ta.
Với một người thầy vốn có những “sang chấn tấm lí” từ thời phổ thông và một “vết nhơ” bạo lực như thế, thử hỏi: Ai sẽ can đảm “giao trứng cho ác” đây?
Nguyễn Ngọc
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng! |