Hơn 700 người đã chết bởi làn sóng bạo lực tại Ai Cập trong mấy ngày qua. Bạo lực vẫn có thể tiếp diễn và lan rộng, bởi tổ chức Anh em Hồi giáo kêu gọi những người ủng hộ tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi biểu tình hàng ngày từ tuần sau. Các nước phương Tây kịch liệt lên án việc chính phủ Ai Cập đàn áp biểu tình bằng bạo lực, dù họ cũng không muốn Ai Cập chịu sự kiểm soát của những người Hồi giáo.
Trong bối cảnh đó, chính phủ lâm thời Ai Cập vẫn không hề tỏ ra khoan nhượng. Họ tuyên bố cảnh sát, quân đội và nhân dân đang chống những phần tử khủng bố. Hôm 18/8, Thủ tướng lâm thời Ai Cập, ông Hazem el-Beblawi, lên án Anh em Hồi giáo kích động bạo lực, đồng thời đề xuất việc giải tán tổ chức này.
"Chúng ta không thể hòa giải với những kẻ đã chĩa vũ khí vào đất nước và các thể chế quốc gia. Bàn tay của họ đã nhuốn máu", ông Beblawi phát biểu.
Cảnh sát Ai Cập bắt một người ủng hộ Anh em Hồi giáo trong các cuộc đụng độ tại trung tâm thành phố Cairo hôm 13/8. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ lâm thời Ai Cập tuyên bố họ đang nghiên cứu đề xuất của thủ tướng. Nếu họ phê chuẩn đề xuất, rất có thể lực lượng an ninh sẽ truy lùng các thành viên của Anh em Hồi giáo trên cả nước, buộc họ phải hoạt động bí mật.
Ra đời vào năm 1928, anh em Hồi giáo "bám rễ" khá sâu tại các tỉnh của Ai Cập. Họ đã giành thắng lợi trong tất cả 5 cuộc bầu cử sau khi cựu tổng thống Hosni Mubarak từ chức bởi làn sóng biểu tình vào năm 2011. Trong bối cảnh đó, giới phân tích dự đoán Anh em Hồi giáo sẽ trở thành trung tâm quyền lực tại Ai Cập trong vài năm tới. Với việc Mohamed Morsi, một thành viên của Anh em Hồi giáo, đắc cử tổng thống, dường như tổ chức này đã tiến một bước khá dài trong tham vọng chinh phục chính trường Ai Cập. Song uy tín của họ giảm bởi một bộ phận dư luận cáo buộc họ không đủ năng lực điều hành đất nước và muốn độc quyền về chính trị.
Hàng trăm nghìn người Ai Cập đã đổ ra các đường phố hồi tháng 6 để phản đối tổng thống Morsi. Sau đó quân đội lật đổ ông vào ngày 3/7 để "tránh một cuộc nội chiến". Từ thời điểm ấy, giới truyền thông nhà nước lẫn tư nhân đều tỏ ra chống lại Anh em Hồi giáo. Nhiều dân thường cũng lên án họ.
"Tôi e rằng dân chủ không giúp ích cho Ai Cập trong tình cảnh hiện nay. Anh em Hồi giáo đã thắng cử, nhưng họ chưa bao giờ mang tới quyền lợi hay tự do cho bất kỳ ai, trừ những thành viên trong tổ chức của họ. Vậy tại sao chúng tôi phải cảm thấy thương cảm cho họ?", Hussein Ahmed, một nhân viên ngân hàng 30 tuổi tại thành phố Cairo, bình luận.
Theo Tri Thức