Quốc hội Ai Cập hôm 20/7 đã cho phép Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi đưa quân đội đi làm nhiệm vụ chiến đấu ở nước ngoài để bảo vệ an ninh quốc gia.
Động thái này được đưa ra ngay khi Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA) chuẩn bị cho chiến dịch quân sự giải phóng các thành phố Sirte và Al-Jafra khỏi lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.
Các nhà phân tích tin rằng, động thái này sẽ càng củng cố thêm khả năng đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập ở Libya, mở ra những suy đoán về kịch bản có thể xảy ra trong trường hợp quân đội Ai Cập chuyển quân đến nước láng giềng Bắc Phi.
Ankara sẽ phản ứng thế nào trước sự can thiệp của Ai Cập nhắm vào sự hiện diện quân sự của nước này ở Libya và đồng minh GNA ở Tripoli?
Lằn ranh đỏ và nguy cơ đụng độ
Theo Middle East Monitor, nếu quân đội Ai Cập tiến vào lãnh thổ Libya để hỗ trợ lực lượng của tướng Haftar, cuộc khủng hoảng sẽ không phải là giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, mà là giữa Ai Cập và Libya. Nói cách khác, cuộc đối đầu sẽ không phải là Ả Rập-Thổ Nhĩ Kỳ, mà là giữa những quốc gia Ả Rập với nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đối đầu trực tiếp với Ai Cập, cũng như với bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào khác, bất kể sự khác biệt đang tồn tại giữa họ. Ankara tin rằng kiểu đối đầu này làm cạn kiệt nguồn lực của hai bên liên quan và phục vụ lợi ích cho các cường quốc khác.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại lực lượng của mình ở Libya. Có những lằn ranh đỏ mà Ankara không thể từ bỏ, chẳng hạn như cần phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Libya và chống lại những nỗ lực phân chia đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ hỗ trợ GNA về mặt quân sự và kỹ thuật bằng cách cung cấp vũ khí, thiết bị, huấn luyện và hướng dẫn chuyên gia trong khuôn khổ các hiệp định song phương. Các nhà ngoại giao cũng sẽ có mặt để hỗ trợ Chính phủ ở Tripoli.
Không ai ở Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn bị kéo vào một cuộc phiêu lưu quân sự không chắc chắn phần thắng. Hơn cả, Ankara được cho là có lợi thế hơn khi quốc gia này được lãnh đạo bởi một tổng thống kinh nghiệm lâu năm, trong khi chính quyền Ai Cập non trẻ hiện tại còn đang gặp nhiều vấn đề về kinh nghiệm chính trị, ngoại giao và kinh tế.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đánh giá tình hình quốc tế và khu vực một cách cẩn thận và tận dụng những cơ hội có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, ông được cho là sẽ không gặp khó khăn gì trong việc lật ngược tình thế nếu quân đội Ai Cập vượt qua Libya, tờ Middle East Monitor nhận định.
Ngoài ra, Ai Cập có thể dễ bị sa lầy khi đối đầu với liên minh Thổ Nhĩ Kỳ-GNA, đặc biệt khi Ai Cập có thể khốn đốn trước làn sóng bao vây bởi các nước châu Âu, Ả Rập và thậm chí cả châu Phi.
Một so sánh đơn giản giữa số lượng tàu, máy bay và xe tăng mà Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu để dự đoán kết quả của một cuộc đối đầu sẽ không phải là cách hợp lý.
Sức mạnh quân đội còn phụ thuộc vào những động thái chính trị và ngoại giao để chỉ đạo một cách thích hợp và hiệu quả. Khi tất cả các yếu tố này được xem xét, thì sự cân bằng rõ ràng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ.