Những thông tin chính thức đầu tiên về sự kiện này được BBC phát đi theo nguồn tin riêng của phóng viên thường trú tại Ai Cập Rupert Wingfield-Hayes. Nhờ những mối quan hệ sâu rộng, Hayes đã được tiếp cận và ghi lại những hình ảnh đầu tiên về cựu tổng thống Ai Cập trong thời gian ông được cấp cứu tại bệnh viện quân đội Maadi.
Những người ủng hộ Mubarak đang vô cùng lo lắng cho sức khỏe của ông
Cơn đau tim xảy đến với cựu Tổng thống từ ngày 19/6. Trong tình trạng sức khỏe vốn đã rất yếu, ông Mubarak nhanh chóng rơi vào hôn mê và phải dùng tới máy móc để duy trì sự sống nhưng các bác sĩ đang nỗ lực hết sức để ông có thể tỉnh lại. Các bác sĩ cho biết, họ đã phải dùng tới máy khử rung tim để duy trì sự sống cho cựu Tổng thống. Phóng viên Kevin Connolly của BBC, rất nhiều cảnh sát đã được huy động tới phong tỏa bên ngoài bệnh viện.
Những người ủng hộ ông Mubarak đang vô cùng lo lắng cho sức khỏe của ông. Một người đàn ông cho biết: “Tôi yêu ông ấy như cha, thậm chí còn yêu hơn cả cha đẻ của mình. Nhóm Huynh đệ Hồi giáo là những kẻ gây ra tội ác. Họ đã phá hủy đất nước của chúng tôi, điều mà Mubarak đã cố gắng giữ gìn trong suốt 30 năm ông ấy nắm quyền. Ngược lại, môt chàng trai trẻ thuộc nhóm chống đối lại cho rằng trong suốt thời gian cầm quyền, ông Mubarak đã không làm gì cho đất nước này khiến đất nước nghèo đói. Khi gia đình ông được ăn thịt thì những người dân thường phải chết đói. Những người phản đối rất háo hức trước thông tin cựu Tổng thống đang hấp hối.
Trong một diễn biến khác, kênh truyền hình TV Channel One của Ai Cập đã lo xa và cho phát sóng một đoạn phim nói về tiểu sử của ông Mubarak kể từ khi ông còn là một phi công trẻ trong quân đội tới lúc là một người anh hùng trong cuộc chiến tranh của Ai Cập và giai đoạn đầu khi ông lên nắm quyền lực ở đất nước này.
Ông Mubarak bị lật đổ vào năm ngoái và bị kết án tù chung thân hồi đầu tháng 6 vừa qua vì việc ông đã ra lệnh giết chết những người chống đối khi ông vẫn còn đang cầm quyền. Kể từ đó, thường xuyên có những thông tin cho rằng sức khỏe của ông Mubarak đã bị suy giảm nghiêm trọng nhưng đa phần những thông tin đó là sai sự thật. Chính vì vậy, người dân Ai Cập luôn hoài nghi về bất cứ thông tin nào liên quan tới sức khỏe của cựu Tổng thống. Tuy nhiên, theo giới truyền thông, những thông tin mới nhất về tình hình sức khỏe của ông Mubarak có vẻ chính xác hơn bất cứ thông tin nào trước đây.
Nhiều người lo ngại rằng những thông tin nhiễu loạn về tình trạng sức khỏe của ông Mubarak sẽ được sử dụng để gây lạc hướng quan tâm của mọi người trong bối cảnh Ai Cập đang chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống mới diễn ra vào cuối tuần vừa qua, kết quả này sẽ được công bố vào ngày thứ Năm, 21/6 tới.
Chính trường Ai Cập căng thẳng Tin về sức khỏe của ông Mubarak được công bố giữa lúc hơn 10.000 người tập trung tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo phản đối động thái của hội đồng quân sự cầm quyền muốn đửng ra thâu tóm quyền lực mới. Cuộc biểu tình do nhóm Huynh đệ Hồi giáo phát động. Nhóm này khẳng định rằng ứng cử viên Mohammed Mursi đại diện cho Huynh đệ Hồi giáo sẽ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập hồi cuối tuần qua. Ngược lại, ông Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng dưới thời ông Mubarak cũng khẳng định chiến thắng sẽ thuộc về mình. Nhóm Huynh đệ Hồi giáo thề rằng sẽ đưa ông Mubarak ra xét xử lại nếu như họ nắm chính quyền |
Nhật Minh (theo BBC)