Khó xác định lỗi vô ý hay cố ý
Dư luận cho rằng, để tìm ra nguyên nhân dẫn đến vi phạm tố tụng là do lỗi cố ý hay vô ý cũng giống như việc mò kim đáy bể. Bởi ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm chỉ cách nhau sợi tóc. Vì vậy việc vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự, hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự... sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần tự tôn pháp luật của người dân. Những vụ án dưới đây là một trong nhiều vụ án vi phạm tố tụng nghiêm trọng, dẫn đến việc khiếu kiện không có hồi kết.
Ngày 17/4/2013, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp về thừa kế. Nguyên đơn là ông Hoàng Hà Phương, bà Hoàng Thị Hảo, bà Hoàng Thị Hoàn và bị đơn là ông Nguyễn Văn Dưỡng. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS), nguyên đơn phải có tư cách khởi kiện, yêu cầu khởi kiện, nhưng trong vụ án này, nguyên đơn không có tư cách khởi kiện và yêu cầu khởi kiện không hợp pháp, không có căn cứ, nhưng tòa án cấp sơ thẩm vẫn thụ lý và giải quyết vụ án.
Theo đó, bản án sơ thẩm số 40/2012/DSST của TAND TP.Hà Nội đã xác nhận mối quan hệ của các đồng nguyên đơn là ông Hoàng Hà Phương, bà Hoàng Thị Hảo, bà Hoàng Thị Hoàn là con đẻ của cụ Hoàng Văn Lạc và cụ Lương Thị Phiến, người được cho là đang sở hữu mảnh đất (thuộc thửa 127, tờ bản đồ 06, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Trong vụ án này, các đồng nguyên đơn là ông Phương, bà Hảo, bà Hoà khởi kiện đòi phân chia tài sản với tư cách là đồng thừa kế, thuộc hàng thừa kế thứ nhất, duy nhất của cụ Hoàng Văn Lạc, cụ Lương Thị Phiến đối với diện tích nhà, đất nêu trên.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên trong toàn bộ hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17/4/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC, các nguyên đơn không xuất trình được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho việc họ là con đẻ của hàng thừa kế thứ nhất, duy nhất của cụ Lạc, cụ Phiến. Trong khi nguyên đơn không cung cấp chứng cứ để chứng minh họ là con của cụ Phiến, cụ Lạc, vậy mà tòa án cấp sơ thẩm vẫn thụ lý và đưa vụ án ra xét xử.
Tòa sơ thẩm còn tuyên bị đơn là ông Nguyễn Văn Dưỡng phải trả lại nhà, đất cho phía nguyên đơn. Bị đơn là ông Nguyễn Văn Dưỡng đã kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn vẫn không đưa ra bất cứ một giấy tờ nào xác nhận họ là con của cụ Lạc và cụ Phiến. Xét thấy cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc xác định tư cách khởi kiện của nguyên đơn nên HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm nhưng lại không nói rõ ai phải chịu trách nhiệm chính trong việc án bị huỷ này.
Mặt trái trong công tác điều tra?
Theo chia sẻ của ông Vũ Việt Hùng- Phó vụ trưởng Vụ 1A VKSNDTC: Vụ việc xảy ra đã hơn 20 năm, nhưng đối với ông có lẽ đó là một trong những vụ án để đời. Bởi chính ông là người đã tìm ra được mấu chốt của vụ án, nêu lên được mặt trái trong công tác điều tra như: Mớm cung, ép cung, dụ cung.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra: Năm 1989, do tranh giành nhau việc khơi nước ở mương, chảy vào ruộng của mình, dẫn đến mâu thuẫn xô xát giữa Đinh Hùng và ông C.. Bị can Hùng đã dùng cán (leng) cuốc đập vào sau gáy của ông C. làm gãy đốt sống cổ 6, 7 dẫn đến tử vong. Sau khi thu thập chứng cứ, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm pháp y và kết thúc điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra (PC16) công an tỉnh Thuận Hải (cũ) đề nghị truy tố bị can Đinh Hùng về tội giết người theo Điều 93 BLHS năm 1985.
Ông Hùng nhớ lại: "Sau khi xảy ra sự việc, VKSND tỉnh Thuận Hải ra cáo trạng để truy tố bị can Đinh Hùng về tội giết người. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, VKSND tỉnh Thuận Hải chuyển lên VKSNDTC xin ý kiến về mặt chứng cứ. Được lãnh đạo phân công nghiên cứu hồ sơ, tôi nhận thấy, từ đầu đến cuối, bị can Đinh Hùng đều nhận tội. Tuy nhiên những lời khai, nhận tội của bị can khác với thực tế trong hồ sơ. Ví dụ: Bị can khai dùng cán leng (cán cuốc) đập vào gáy của ông C. làm ông C. ngã xuống ruộng. Ở đoạn cuối hồ sơ, lại có nhân chứng khai: Đi qua thửa ruộng của ông C. thấy ông C. ôm bụng quằn quại, mọi người đưa ông về đến nhà, lúc đó ông mới tử vong”.
Là người từng được học qua võ thuật, tôi nhận thấy ngay điểm vô lý trong hồ sơ, đó là: “Nếu gãy đốt sống cổ 6, 7 thì nạn nhân sẽ chết ngay tại chỗ, không thể ôm bụng quằn quại được. Lúc đó, tôi đặt ra câu hỏi: Vậy ông C. chết vì nguyên nhân gì? Vì ngoài kết luận ông C. chết vì gãy đốt sống cổ, tôi không thấy trong hồ sơ ghi thêm bất cứ tình tiết nào, nguyên nhân nào liên quan đến cái chết của ông. Mặc dù ông C. đã được chôn cất cách thời điểm đó là 1 năm, 6 tháng, nhưng về mặt lương tâm và trách nhiệm, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, tôi quyết định: Đề xuất với lãnh đạo cho khai quật tử thi nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông C.. Đề xuất này của tôi được lãnh đạo chấp thuận".
Ông Hùng cho hay: "Khi khai quật tử thi, các đốt sống của ông C. còn nguyên vẹn. Lúc này tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm vì phán đoán của tôi đã chính xác, đốt sống cổ 6, 7 không bị gãy. Sau đó tôi báo cáo với lãnh đạo không đủ căn cứ truy tố bị can Đinh Hùng về tội giết người, đồng thời ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, yêu cầu công an tỉnh Ninh Thuận trả tự do cho bị can. Sau khi báo cáo lãnh đạo, tôi đến trại tạm giam của công an tỉnh Ninh Thuận (sau khi tách ra từ tỉnh Thuận Hải cũ) gặp bị can Đinh Hùng và hỏi: "Tại sao anh lại khai lấy cán cuốc đập vào sau gáy của ông C.?",
Đinh Hùng đáp: "Cán bộ bắt khai như vậy, nếu không sẽ bắt đứng nắng". Tôi tiếp tục tìm hiểu về nhóm pháp y làm nhiệm vụ khám nghiệm tử thi khi ông C. vừa chết, một cán bộ pháp y trả lời: "Thú thực với anh, sau khi khiêng xác ông C. lên bàn để giải phẫu, tự dưng cái đầu của ông ta nghẹo xuống, mềm oặt nên chúng tôi đoán là gãy đốt sống cổ. Sau đó chỉ rạch một đường sau gáy và kết luận luôn: Gãy đốt sống cổ 6, 7. Mặt khác do thời tiết quá nóng, phía trên chỉ có tấm liếp che, mặc dù có khẩu trang, nhưng mùi hôi bốc lên, anh em không chịu được nên làm sao cho nhanh nhất...". Ngay sau khi phát hiện những lỗi này, tôi đã đề nghị cơ quan chức năng ra quyết định kỷ luật toàn bộ ê-kíp giám định pháp y".
Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ án vi phạm tố tụng bị phát hiện, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều vụ án khác mà chúng tôi không thể liệt kê hết được.
Lương Liễu