Tại khu vực phá rừng mà Người Đưa Tin Pháp luật đã phản ánh ở xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), theo báo cáo của chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế thì có 10 gốc cây rừng đã bị chặt hạ. Thống kê này đã hơn 5 cây so với báo cáo “tạm thời” của Chi cục này thông tin với báo chí trước đó.
Cũng theo báo cáo mới này, những gốc cây bị đốn hạ có đường kính từ 47-70cm, chủng loại gỗ là Bạng, Phò Lái, Xoan, Trám.
Khu vực xảy ra vụ phá rừng thuộc lô 1,2 (khoảnh 12), lô 18 (khoảnh 8), lô 6 (khoảnh 14) thuộc tiểu khu 256, xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới. Chủ rừng là UBND xã Hồng Thuỷ quản lý và đơn vị này đã giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm quản lý theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP do ông Nguyễn Văn Sỹ, trú ở thôn Pa Ây, xã Hồng Thuỷ làm nhóm trưởng.
Về việc xử lý trách nhiệm, bên lề cuộc họp khẩn về vụ phá rừng này, trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trách nhiệm để rừng bị phá trước hết là chủ rừng được giao khoán, tiếp đến chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng giữ rừng liên quan.
Nói về trách nhiệm của người đứng đầu hạt kiểm lâm quản lý địa bàn, ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm A Lưới cho biết, qua vụ việc sẽ “rút kinh nghiệm sâu sắc”…
Có thể nói, đây không phải là vụ phá rừng hiếm thấy ở huyện miền núi A Lưới. Nơi đây, lâu nay vẫn được ví như “thủ phủ” phá rừng ở Thừa Thiên-huế. Ngoài những vụ được báo chí phản ánh liên tục, còn có rất nhiều vụ đã được lực lượng chức năng như kiểm lâm, biên phòng, công an địa phương phát hiện.
Từ thực trạng này đã đặt ra nhiều dấu hỏi về nguyên nhân nào khiến tình trạng phá rừng ở A Lưới luôn là điểm “nóng”? Phải chăng ngoài những nguyên nhân khách quan như sự tinh vi, bất chấp của các đối tượng lâm tặc thì còn là sự bất cập trong công tác quản lý giám sát, bảo vệ của lực lượng giữ rừng?
Theo tìm hiểu của PV, tại 2 điểm “nóng” phá rừng ở xã Hồng Vân và xã Hồng Thuỷ, với mật độ rừng tự nhiên bao phủ rộng lớn nhưng lâu nay lực lượng kiểm lâm chỉ được bố trí 1-3 người để tuần tra, giám sát, bảo vệ rừng. Còn lại công tác này được giao khoán cho những hộ dân địa phương theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, việc giao khoán này cũng nhiều bất cập, theo Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, trong quá trình tổ chức thực hiện, hạt cũng đã nhắc nhở những cộng đồng, nhóm hộ đã có nhận rừng để quản lý, bảo vệ và hưởng chính sách phải có trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý rừng được giao. Thế nhưng, do chi phí khi giao khoán ít không đủ để trang trải cuộc sống nên nhiều hộ được giao rừng không chú tâm, vẫn còn ỉ lại lực lượng kiểm lâm.
Trong khi đó, như đã thông tin trên, lực lượng kiểm lâm ở những điểm “nóng” này lại quá ít, chỉ từ 1-3 người.
Hạt trưởng hạt Kiểm lâm A Lưới thông tin, với một địa bàn rộng như ở A Lưới, cán bộ nhân viên toàn hạt chỉ có 28 nhân sự. Trong số này đã có 4 người là nữ, 6 người đã nhiều tuổi nên công tác tuần tra giám sát, đi rừng chỉ giao lại cho khoảng 20 người là thanh niên trẻ khoẻ. Với số lượng chỉ 20 người nhưng được bố trí phụ trách, kiểm soát cả hàng nghìn hécta rừng. Theo đó, mỗi xã thường được bố trí 1 cán bộ kiểm lâm, có xã nhiều nhất thì 2 người nhưng vẫn không đủ người để kiểm soát tình trạng phá rừng.
“Phải nói rằng, việc tuần tra, giám sát nếu có sự tham gia thường xuyên của cán bộ kiểm lâm thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. Thế nhưng, với một điểm “nóng” về phá rừng như Hồng Vân, Hồng Thuỷ, tại sao lại bố trí lực lượng “mỏng” như vậy thưa ông? Mình có đề xuất về việc tuyển hay tăng cường thêm lực lượng kiểm lâm ở đây không?”, PV đặt câu hỏi.
Ông Ngô Hữu Phước cho hay, hạt từ trước đến này đã đề xuất nhiều lần về việc bố trí thêm cán bộ kiểm lâm cho đơn vị, nhưng đều không được vì công tác tuyển dụng viên chức không phải dễ dàng.
"Hiện để bảo vệ rừng, ngoài lực lượng tại chỗ ít, "mỏng", kiểm lâm chỉ còn dựa vào công an địa phương, biên phòng... trong khi đó, địa bàn thì lại quá rộng, phức tạp", Hạt trưởng kiểm lâm A Lưới nói.
Lê Kông