Trên mạng và cả một số tờ báo đang rầm rộ cãi nhau về bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa. Một tờ báo có hẳn một bài với đầu đề rất vui “Xin đừng bắt nạt tác giả bài thơ “Bắt nạt””.
Trong cõi sống thật cũng có rất nhiều cuộc cãi nhau, gây lộn, thậm chí đánh nhau... nhưng rồi cũng đều có những cơ quan phân xử. Cái nào đáng hình sự thì hình sự, cái nào hành chính thì hành chính, cái nào hòa giải thì hòa giải...
Cõi mạng hình như chưa.
Đủ yếu tố cấu thành thì đã xử lý hình sự, còn dân sự, hành chính thì ít, hoặc chưa đủ căn cứ vì chỉ là... cãi nhau.
Nên các cuộc cãi nhau cứ liên tiếp như... sóng, hết đợt này tới đợt kia, hết vấn đề này tới vấn đề kia.
Có những ý kiến rất hay, rất sắc sảo, rất có lý có tình, rất thuyết phục, khiến người đọc ngả mũ khâm phục.
Có những ý kiến rất cực đoan, rất hàm hồ, rất trịch thượng, coi mình như vô đối, coi thiên hạ đều mục hạ vô nhân.
Có những ý kiến ngây ngô, sai lè lè nhưng cãi lấy được, block (khóa -PV) tất cả những ai trái ý.
Có những ý kiến bất chấp văn minh, văn hóa, sử dụng từ ngữ mà những người bình thường đọc là đỏ mặt, gần như không có lý luận, không phân tích, không phải trái đúng sai, chỉ... văng tục.
Nên có người bắt chước cụ Nam Cao có hẳn những đoạn văn nhái “Cứ mở mạng ra là hắn chửi...”.
Thực ra, trong đời sống thực, để có văn minh như ngày nay, con người cũng phải trải qua những quá trình dằng dặc để thiết lập văn minh, để tạo ra văn hóa. Thế mà cũng nào đã yên, nhẹ thì vẫn vượt đèn đỏ, vẫn đánh nhau, chửi nhau có khi chỉ vì cái nhìn, vì con bạn hơn con mình một tí... Nặng thì như hiện tại đấy, nhiều người chết giữa thời đại văn minh này bởi chiến tranh, xung đột. Và các cuộc chiến tranh tàn khốc ấy chưa có cơ dừng lại, dù thế giới văn minh đang làm mọi cách để những cuộc chiến như thế dừng lại.
Vậy nên những “cuộc chiến” trên mạng cũng không có gì là khó hiểu.
Có điều đừng để những “cuộc chiến” ấy nó ảnh hưởng vào đời sống thực.
Block nhau đã đành, hẹn nhau tẩn nhau, thậm chí đâm nhau ngoài đời đã đành.
Nhưng nguy hiểm hơn là cái cách ứng xử, cách “gieo mầm” văn hóa, cách tranh cãi liên tu bất tận kiểu “cả vú lấp miệng em”, kiểu “cứ mở mạng ra là hắn chửi” đã khiến nhiều lúc thông tin bị nhiễu, người xem hoang mang vì những chuẩn giá trị đập nhau chan chát, rất nhiều người ăn chửi mà không biết vì sao mình bị chửi, nhiều người chửi nhưng không biết nguồn cơn, và nhiều người bị chửi nhưng không thể thanh minh.
Chưa kể có nhiều câu nói, hình ảnh bị cắt khỏi ngữ cảnh một cách chủ ý để “hướng dẫn dư luận” hạ bệ một ai đó, nhiều khi chỉ để câu view, câu like.
Tất nhiên cũng vẫn có nhiều người rất đàng hoàng. Nói, viết gì sai hoặc chưa chính xác một phần nào đấy là công khai xin lỗi.
Mới thấy, trước thế giới mạng, con người vừa hung hăng, độc ác, lại vừa mong manh, yếu đuối biết bao.
Phản biện là cần thiết, hết sức cần thiết. Tôi là một facebooker cũng hay phản biện. Nhưng là phản biện một cách có văn hóa, có trách nhiệm. Phản biện để phát triển chứ không phải để vùi dập, để phá cho sướng.
Trở lại với bài thơ “Bắt nạt” ở đầu bài viết, tôi hết sức tán thành ý kiến của nhà văn đàn anh Trần Đức Tiến, một nhà văn có nhiều thành tựu viết cho thiếu nhi. Ông viết “Mình không định, không muốn tranh luận với ai đó về bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Mình cũng chưa đọc, chưa nghe tác giả này phát biểu gì về những chuyện ồn ào xung quanh bài thơ. Mình chỉ nhận thấy: trẻ con không hoàn toàn giống người lớn ở cách nghĩ, cách tư duy. Người lớn thường coi trọng (đến mức lệ thuộc) sự có lý, hợp lý – tất nhiên là cái “lý” của người lớn. Còn trẻ con, nhiều khi chúng “vô lý” đùng đùng: đổ dầu gội vào bể cá cho con cá cảnh gội đầu, xi tè cho con mèo cưng, con chó bay qua nóc nhà, con chim ngồi thõng chân trên cây, v.v… Khó chấp nhận với người lớn, nhưng với trẻ con thì những chuyện đó rất tự nhiên, không có gì bất thường.
Không biết người khác thế nào, còn với mình, khi viết cho trẻ con, mình rất chú ý điều này. Nhưng nghĩ thế chưa chắc làm được. Mình tự thấy nhiều khi cũng bị cái "có lý" trói buộc (một cách vô tình). Viết cho trẻ con mà già đáu, khô khốc. Cố tỏ ra hồn nhiên, ngây thơ thì lại hóa ngây ngô, cưa sừng làm nghé.
Từ đó nảy ra vấn đề khác: viết cho trẻ con thì trước hết, trẻ con phải thích. Trẻ thích, người lớn cũng thích càng tốt. Trẻ thích, người lớn không thích, không sao cả. Người lớn không nên đem cái thích - không thích của mình áp cho trẻ.
Tình yêu ngọt ngào. Nỗi buồn đắng đót. Lòng tốt tỏa hương thơm. Đồng tiền tham nhũng tanh tưởi… Mình thấy bắt nạt có mùi hôi có gì quá đáng lắm đâu nhỉ?
Khen chê, thích hay không thích một tác phẩm phụ thuộc vào kiểu/loại (mình không nói trình độ) thẩm mỹ của từng người. Và cũng là quyền của từng người. Mình chỉ không thích thái độ khẳng định “chân lý thuộc về tao”. Không thích thái độ phê phán như chửi mắng. Chửi mắng người khác là tự hạ nhục mình. Bất cứ chuyện gì cũng thế, không cứ chuyện bài thơ “Bắt nạt””.
“Bắt nạt’” từ ngoài đời xông vào thế giới mạng như thế. Lại nhớ, kết thúc đời Chí Phèo là câu hỏi đau đớn “Ai cho tao lương thiện”.
À nhưng cũng nói luôn, tôi và bạn bè hay ăn món Sashimi, cá ngừ đại dương do bạn ở Tuy Hòa thường xuyên gửi cho. Tôi gọi đúng tên “mù tạt”, còn các bạn tôi, nhiều trí thức đi Tây đi Tàu về, vẫn gọi là... Bồ tạt hoặc Bù tạt.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.