Khi câu hỏi Vũ “nhôm” là ai xuất hiện trên mặt báo với tần số nhiều hơn trong những ngày gần đây, thì cũng đồng nghĩa dư luận xã hội đang đặt niềm tin rất lớn vào các cơ quan công quyền. Đến những cái tên đình đám như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, rồi cả người đầy uy quyền như ông Đinh La Thăng một thời rồi cũng không thể chạy trốn khỏi sự nghiêm minh của luật pháp thì Vũ “nhôm” - Phan Văn Anh Vũ không trốn mãi được.
Tin rằng nhiều người đã mất ngủ khi nghe Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa kể lại câu chuyện mà ông từng nghe khi còn công tác ở Sơn La rằng, có những doanh nghiệp đứng trước cửa UBND mà chỉ mặt giám đốc, phó giám đốc sở hỏi “chúng mày có muốn làm nữa không thì bảo?”. Lộng hành đến như thế, nếu không phải là thế lực mạnh đứng sau chống lưng, thử hỏi luật pháp nào cho phép những kẻ trong vỏ bọc doanh nhân nạt nộ chính quyền?
Doanh nghiệp được ưu ái, đấy là một trong những chính sách, chủ trương đúng đắn của Chính phủ góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, công bằng với tất cả các doanh nghiệp. Nhưng sự ưu ái đến mức để cho doanh nghiệp “lội ngược dòng” chỉ đạo lại chính quyền thì không phải là chuyện ì xèo dư luận ở phạm vi một địa phương nữa. Ưu ái đó là lợi dụng chính sách để trục lợi, vi phạm luật pháp một cách nghiêm trọng.
Cái bắt tay của chính quyền và doanh nghiệp không làm địa phương phát triển mà để nảy nở lợi ích, nhóm lợi ích, thâu tóm, chi phối cục bộ địa phương phải lên án. Lợi dụng cái bắt tay này, một số lãnh đạo địa phương đã bật đèn xanh cho doanh nghiệp dễ bề thao túng, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng. Như Vũ “nhôm”, nếu không phải là một thế lực ngầm chống đỡ thì làm sao có thể tự tung tự tác đến mức như vậy, làm sao khuynh đảo Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận như thời gian qua?
Trong số hàng triệu những cán bộ mẫn cán, ngày ngày tận tụy vì lợi ích của dân, của nước, tâm huyết và biết hy sinh vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước thì cũng còn một bộ phận tha hóa, biến chất, ngồi trên của cải xa hoa mà ngại lội chân trần xuống ruộng lúa của bà con nông dân. Chính họ đã “bắt tay” với doanh nghiệp theo một nghĩa khác để mưu lợi về phú quý và danh vọng. Bởi thế, họ sẵn sàng nhắm mắt ký bừa, làm ngơ cho sai phạm, sẵn sàng dùng quyền năng mà Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó để thực hiện những lợi ích riêng tư. Trong việc Vũ “nhôm” “tặng” nhà và xe cho ông Nguyễn Xuân Anh – từng làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, có cái bắt tay theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”?
Câu chuyện kể của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho thấy, những cá nhân đại diện cho doanh nghiệp đó không liều lĩnh mà phát ngôn như vậy, phải là lời nói được “bơm”, “nắn” từ trước của chính những người làm lãnh đạo trong cơ quan công quyền. Vì được dựa lưng vững chắc nên nói lời bất chấp luật pháp.
Trường hợp của Vũ “nhôm”, trong số rất nhiều bất động sản ở các vị trí đắc địa của TP.Đà Nẵng, những dự án vàng được phê duyệt nhanh chóng thời gian qua, có chuyện “nạt nộ” chính quyền, lãnh đạo địa phương hay không? Vũ “nhôm” đã bắt tay với ai để được ưu ái và lộng hành đến như vậy? Có việc Vũ “nhôm” đập bàn, dọa lãnh đạo TP về việc có ý không đồng thuận với dự án bến du thuyền trên sông Bạch Đằng hay không? Có chuyện Vũ “nhôm” đến tận nhà lãnh đạo để “hỏi cho ra lẽ” việc lãnh đạo không đồng ý cho doanh nghiệp của ông xây bến du thuyền dưới chân cầu Rồng không?
Nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước đang mong chờ từng ngày để cơ quan công an làm rõ tất cả những điều dư luận đặt dấu hỏi lớn. Nếu là có thật, cần loại bỏ những người tự cho mình uy thế của bậc “bề trên” như Vũ “nhôm” nạt nộ chính quyền ra khỏi đời sống xã hội.
Cần làm rõ ai chống lưng cho Vũ “nhôm” để khẳng định cái uy của chính quyền, không thể vì một số “sâu mọt” mà hủy hoại những điều tốt đẹp chúng ta dày công xây dựng bao năm qua!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.