Giải quyết dân sinh trước
Về việc thông qua Nghị quyết về xây dựng Nhà hát Vũ kịch nhạc và giao hưởng, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM từng trả lời báo chí, đây là thời điểm hội đủ những điều kiện để xây dựng nhà hát. "Bởi, những kỳ họp Đại hội Đảng bộ TP.HCM những lần trước đây đều đánh giá công tác đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do đó, nếu cứ mãi đi theo để giải quyết những vấn đề trước mắt thì tầm vóc của văn hóa sẽ không đáp ứng được" - Chủ tịch HĐND TP.HCM thông tin.
Bà Tâm còn cho biết thêm, nhà hát được thông qua thuộc dự án nhóm A và Nghị quyết 54 của Quốc hội, cho phép HĐND TP.HCM quyết định. Do đó, kỳ họp lần này HĐND đã giao cho UBND trình những vấn đề có liên quan đến thẩm quyền của Nghị quyết 54.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, LS. Trần Đình Dũng (trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM– Trung ương hội Luật gia Việt Nam) thẳng thắn chia sẻ: “Với bối cảnh hàng loạt vấn đề dân sinh của TP.HCM hiện nay còn tồn đọng, thiếu kinh phí trầm trọng để giải quyết mà bỏ tiền ra làm nhà hát giao hưởng thì không phù hợp. Bệnh viện quá tải, trường học đang quá thiếu, hàng loạt cây cầu vượt trên các giao lộ trong nội ô thành phố đang cần để giảm thiểu vấn nạn kẹt xe, chính sách hỗ trợ nghề nghiệp cho người nghèo đô thị vẫn gần như bỏ trống, người nghèo các vùng ven như Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè còn nhiều…”.
Liên quan đến quyết định xây nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Thủ Thiêm, chính người trong ngành văn hoá nghệ thuật cũng cho rằng hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp, HĐND TP.HCM cần cân nhắc. Ông Lê Ích Diễn, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật hát Bội cũng đồng quan điểm: “Với vai trò là nghệ sĩ, vừa là diễn viên, vừa là nhà quản lý văn hóa, trong cái nghề và là cái nghiệp của mình thì việc có được một nhà hát mang tầm cỡ lớn, đó là điều tuyệt vời. Tôi rất mơ ước và xét về lĩnh vực văn hóa, tôi ủng hộ. Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh xã hội đang có nhiều việc khác cần phải làm, phải bàn. Làm gì thì làm, điều quan trọng là hợp với lòng dân, một khi dân đã hiểu và ủng hộ, cùng chung tay thì tôi nghĩ không việc gì là không được”.
PGS.TS Phan An - chuyên gia văn hóa - viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ lại nhìn nhận: “Vấn đề nào cấp bách, cần đầu tư trước thì mình ưu tiên trước. Không nên chạy theo đám đông, thấy các nước lớn có nhà hát giao hưởng thì nước mình cũng phải có. Nước ta kinh tế còn khó khăn, các vấn đề về bệnh viện, trường học, đường sá, giao thông vận tải, ngập lụt… vẫn chưa giải quyết xong. Vì vậy, chuyện xây dựng nhà hát nên xem xét lại".
“Tôi lưu ý rằng, Nhà nước thực hiện chính sách xã hội là nhằm để đảm bảo cho người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Đó là tinh thần Hiến pháp năm 2013 tại Điều 3. Chứ không phải phân cấp rồi địa phương muốn thực hiện sao thì thực hiện”, LS. Dũng chia sẻ thêm.
Ai có quyền huỷ bỏ nghị quyết?
Nói về quy trình ban hành Nghị quyết của HĐND TP.HCM, LS Dũng cho rằng, không có vấn đề gì sai. “Ở đây có 2 vấn đề là quy định pháp luật và chính sách xã hội. Đối với luật định, TP.HCM (cấp tỉnh theo luật định) thực hiện việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, luật Đầu tư công năm 2014, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các luật khác, là thực hiện theo chức năng luật định. Việc đầu tư hạ tầng cho văn hóa là việc đã được phân cấp nên nói không phù hợp pháp luật trong trường hợp này là không chính xác”.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, do chưa phải là thời điểm thích hợp để xây dựng nhà hát nên các chuyên gia cho rằng, cần phải dừng Nghị quyết. Nếu dừng thì ai, cơ quan nào có đủ thẩm quyền?!
LS Trần Đình Dũng khuyến nghị: “Tôi cho rằng, UBTV Quốc hội cần hủy bỏ Nghị quyết xây nhà hát ở Thủ Thiêm với nguồn vốn 1.500 tỷ của HĐND TP.HCM để tránh làm mất niềm tin của người dân vào Nhà nước”.
Vì sao Quốc hội lại có quyền này, LS. Dũng phân tích: “Khi một chính sách của địa phương được HĐND thông qua thì về mặt pháp luật đã chuyển thành Nghị quyết của HĐND. Về nguyên tắc, chính phủ không thể can thiệp, nếu Nghị quyết của thành phố khi không trái quy định pháp luật hoặc trái các văn bản của các bộ, ngành. Nhưng Quốc hội có thể căn cứ vào Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp để bác Nghị quyết của HĐND TP.HCM do không phù hợp thời điểm, bối cảnh về an sinh của người dân địa phương”.
LS. Dũng khẳng định: “Như vậy, cơ quan thực hiện quyền lực thường trực của Quốc hội là UBTV Quốc hội có quyền bác Nghị quyết của HĐND địa phương”.
Nhóm PV