Vừa qua, góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Pháp luật, các ý kiến tập trung vào các vấn đề đang được đa số người dân quan tâm như quyền con người, quyền công dân, về chính quyền địa phương, Hội đồng Hiến pháp...
Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Pháp luật |
Chưa rõ trách nhiệm của Nhà nước
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, những vấn đề nêu trên nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình lấy ý kiến của người dân vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Tuy nhiên, đây là những vấn đề lớn, do đó phải được trao đi đổi lại và xem xét hết sức cẩn trọng trên tinh thần khoa học, dân chủ.
Quan tâm đến vấn đề về quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Quy định "mọi người có quyền sống" trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quy định mới, rất tiến bộ. Tuy nhiên, theo ông Vinh, viết như Dự thảo chưa bảo đảm nội dung cần thiết về quyền được sống của con người. Vì vậy, đề nghị cần xem xét, bổ sung rõ hơn theo hướng quy định ghép các Điều 21 và 35 thành “mọi người có quyền được sống, được đảm bảo an sinh xã hội”.
Ông Vinh cũng lưu ý Dự thảo mới nêu trách nhiệm của công dân mà chưa rõ trách nhiệm của Nhà nước. Trên thực tế, có rất nhiều người muốn học tập nhưng vì không thể học được vì nhà nghèo, gia cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, nên bổ sung Nhà nước có trách nhiệm thực hiện chính sách học phí, học bổng phù hợp với yêu cầu xã hội.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cũng đồng tình với quy định "mọi người" có quyền sống, tuy nhiên ông đề nghị cần bổ sung "trừ trường hợp bị Tòa án kết án tử hình". Riêng đối với quy định về quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý, ông Chiến đề nghị Hiến pháp cần bổ sung quy định những việc và những trường hợp cụ thể Nhà nước phải trưng cầu ý dân nhất là những việc ở cơ sở, liên quan trực tiếp đến người dân (đã quy định trong Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở).
Nếu chưa quy định được ngay, thì cần bổ sung nội dung "biểu quyết những vấn đề theo quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở" vào cuối Điều 30 cho tương đối cân bằng giữa hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Cũng cho rằng, bên cạnh việc quy định quyền, thì phải có những quy định chặt chẽ về việc bảo vệ quyền đó, ĐBQH Lê Minh Hiền, (Khánh Hòa) đề xuất, quy định tại Điều 20 đặt ra nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, ĐB này cho rằng đặt ra quyền nhưng lại không có quy định bảo vệ quyền khi quyền của họ bị xâm phạm. Vì vậy đề nghị bổ sung "được Nhà nước bảo vệ khi quyền của họ bị xâm phạm".
Nên chú trọng chức năng hậu kiểm của Hội đồng Hiến pháp
Tại buổi đóng góp ý kiến, đa số ĐBQH đồng ý phải xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong lần sửa đổi Hiến pháp này. Tuy nhiên, theo ông Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thì Hội đồng Hiến pháp được giao các quyền như Dự thảo thì chưa thực sự có quyền lực để thực thi nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp.
"Hội đồng Hiến pháp nếu chỉ có quyền kiến nghị với Quốc hội và yêu cầu Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC sửa đổi văn bản QPPL của mình khi có nội dung không phù hợp với Hiến pháp (vi phạm Hiến pháp) thì không phải thành lập cơ quan này vì hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã có quyền này song trên thực tế không thực hiện được".
Phương án đề xuất, theo ông Dũng, là thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Bảo hiến, hoặc Hội đồng Hiến pháp song phải giao đầy đủ quyền lực để phán quyết độc lập bằng bản án hoặc bằng quyết định hủy bỏ những văn bản QPPL của mọi chủ thể có quyền ban hành có nội dung vi phạm Hiến pháp, hủy bỏ các bản án của TAND các cấp có vi phạm Hiến pháp và pháp luật...
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Trần Văn Độ (An Giang) nhấn mạnh: Cần khẳng định chức năng tiền kiểm và hậu kiểm, quy định như Dự thảo chỉ có chức năng tiền kiểm. "Đã là cơ quan Bảo hiến thì chức năng chính phải là hậu kiểm, vi phạm pháp luật là vi phạm Hiến pháp, chứ tiền kiểm đã có các Ủy ban rồi".
Dẫn chứng từ thực tế nhiều văn bản vi phạm pháp luật, phát hiện ra rồi nhưng vẫn tồn tại và được thi hành trên thực tế, ông Độ cho rằng do không có ai có quyền đình chỉ hiệu lực của văn bản đó. Muốn xây dựng văn bản khác thay thế lại phải đợi đưa vào quy trình xây dựng luật, đưa ra các kỳ họp Quốc hội theo đúng quy trình mất rất nhiều thời gian. "Hội đồng Hiến pháp phải có quyền phản biện, phát hiện văn bản vi hiến phải có quyền tạm dừng, phải trao quyền nhiều hơn cho Hội đồng Hiến pháp", ông Độ đề xuất.
Theo Thu Hằng (Pháp luật Việt Nam)