Về thông tin Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khi còn làm Thứ trưởng Bộ này đã ký văn bản “nắn” dự án BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang mà báo Người Đưa Tin đã đưa, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển bày tỏ sự bức xúc.
Ông Đào cho rằng: “Cách nối dài đoạn đường 26,5km với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng để rồi đặt trạm thu phí dưới hình thức BOT như vậy là có vấn đề. Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính và xử lý triệt để. Vì sao Thủ tướng đã phê duyệt dự án tuyến đường tránh, bộ GTVT lại tự điều chỉnh thêm phần “đuôi” rồi dựng barie để thu tiền thì chỉ bộ GTVT mới có thể trả lời dư luận.
Tôi đề nghị làm rõ có sự “bắt tay” giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý Nhà nước là bộ GTVT ở dự án BOT Cai Lậy này hay không? Câu hỏi này là có cơ sở và cần trả lời thẳng thắn, rõ ràng để giải tỏa những bức xúc của dư luận”.
Vị Giáo sư cũng cho rằng, địa phương, chủ đầu tư, bộ GTVT phải ngồi lại với nhau tìm ra giải pháp triệt để. Vì sao từ dự án này lại điều chỉnh sang nội dung khác? Làm dự án mà không thống nhất như vậy vô hình trung thành sự thao túng để “làm ăn” với nhau.
Ông Đào cũng chia sẻ đã theo dõi vụ việc liên quan đến BOT Cai Lậy từ lâu. “Tôi thấy phản ứng của dư luận hoàn toàn có cơ sở. Nếu đúng bộ GTVT đã sửa nội dung dự án và làm trái lệnh của Thủ tướng Chính phủ là không ổn. Việc thao túng làm ăn với nhau là không chấp nhận được. Tôi nghĩ bên trong sự việc có lợi ích nhóm. Một số cá nhân đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và Nhà nước”, ông Đào nói.
“Dứt khoát có chuyện không rõ ràng, mờ ám, phải làm rõ để minh bạch với người dân. Thời gian qua, bộ GTVT nói việc gì cũng đúng quy trình, nhưng đến nay “lòi” ra cái “đuôi” như vậy cần xem lại quy trình này ngay”, GS.TS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.
Việc điều chỉnh dự án không giống như trong phê duyệt của Thủ tướng, vị chuyên gia cho rằng, bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và người dân.
“Tôi nghĩ, nếu có sai phạm như vậy thì không chỉ dừng lại ở xin lỗi. Không phải lỗi đánh máy mà đây là cố ý khâu tư vấn, thẩm định, phê duyệt và người ký phải chịu trách nhiệm vì đó là lỗi có chủ đích. Làm trái lệnh của Thủ tướng thì xin lỗi là chưa đủ.
Không những xin lỗi, sửa sai mà tôi nghĩ Bộ trưởng, người ký văn bản và bộ GTVT phải kiểm điểm trước nhân dân và Chính phủ, không nên chỉ rút kinh nghiệm. Cũng cần rà soát lại toàn bộ các dự án BOT để xem còn có bao nhiêu cái “đuôi” được lắp thêm như ở BOT Cai Lậy”, GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Ông đồng tình, nếu làm đường mới hoàn toàn, thu phí BOT là bình thường, nhưng láng thêm, mở rộng vỉa hè rồi thu tiền là không chấp nhận được. Nếu sửa cả dự án thì chắc chắn không phải chuyện nhỏ.
“Có thể khó khăn trong việc xử lý, nhưng vẫn phải xử lý nghiêm. Tôi e rằng không chỉ BOT Cai Lậy mà có thể nhiều dự án khác cũng nằm trong diện “mọc đuôi” như vậy".
Thực tế, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán nhiều dự án BOT và phát hiện những sai phạm.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, năm 2013, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng bộ GTVT) đã ký Quyết định số 2852/QĐ-BGTVT, ngày 19/9/2013, công bố danh mục dự án đầu tư tuyến đường tránh Quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Danh mục kèm theo quyết định này ghi rõ dự án có tên là: "Dự án đầu tư tuyến đường tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang". Đồng thời, chỉ có duy nhất hạng mục tuyến tránh chiều dài 12km, nền đường rộng 12m, có 2 làn xe.
Nhưng không hiểu vì lý do gì mà khi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thì dự án lại mọc ra cái “đuôi” là “tiến hành bảo trì, tăng cường mặt đường QL1 qua Tiền Giang dài 26,5km”. Phải chăng, đây là nguồn cơn dẫn đến trạm thu phí BOT Cai Lậy như hiện nay?