Bàn thắng trong các trận đấu chính thức là như thế nào? Josef Bican là ai? Không phải Pele đã ghi hơn 1.000 bàn trong sự nghiệp hay sao? Và có ai thực sự quan tâm đến kỷ lục này? Dưới đây là câu trả lời cho một vài thắc mắc trong số đó. Tất nhiên, phán quyết cuối cùng còn tùy… quan điểm. Bóng đá là môn thể thao của quan điểm. Một bà nội trợ lần đầu xem bóng đá cũng có thể đưa ra quan điểm. Một chuyên gia phân tích dĩ nhiên có quan điểm. Và đôi khi, quan điểm của bà nội trợ lại… phù hợp thị hiếu hơn ngài chuyên gia. Và thậm chí, nhiều khi chính quan điểm của bà nội trợ mới là đúng. Sự hấp dẫn của bóng đá đôi khi đến từ sự “dân chủ” đó. Không ai tuyệt đối đúng, không ai tuyệt đối sai, chỉ có tương đối.
Nỗi oan của Pele
Trở lại với câu chuyện kỷ lục ghi bàn, hãy bắt đầu bằng Pele. Trong vài năm trở lại đây, người hâm mộ trẻ tuổi thường lôi kỷ lục ghi bàn của Vua bóng đá ra để giễu nhại, phần vì con số 1.279 bàn của ông bao gồm bàn thắng ở giải trẻ, giải đấu cấp bang và… giao hữu.
Nhưng có 3 điều quan trọng sau đây.
Thứ nhất, rất ít bàn thắng của Pele được ghi ở giải trẻ. Nên biết rằng, 15 tuổi Pele đã chơi ở đội một Santos và 17 tuổi khoác áo đội tuyển Brazil.
Thứ hai, mặc dù khái niệm “giải đấu địa phương” ở Brazil nghe có vẻ… địa phương, giống như tại Việt Nam ghi bàn ở Hội khỏe Phù Đổng, giải thể dục thể thao cấp tỉnh, nhưng thực tế rất khác.
Các giải đấu bóng đá cấp bang ở Brazil thực tế được chia làm 4 khu vực, mỗi khu vực này diện tích và dân số bằng mấy quốc gia khác. Và phải xét thêm rằng Brazil là cường quốc bóng đá số một hành tinh. Về thành tích thi đấu, trong kỷ nguyên Pele, Selecao vô địch World Cup 3 lần. Về nguồn nhân lực, xứ sở Samba đam mê túc cầu số hai, không ai dám nhận số một. Một mét vuông có chục cầu thủ, mỗi khu phố thôi đã có đôi ba đội bóng. Thế nên, chẳng có lý gì Brazil không đủ tài năng bóng đá để xây dựng nên vài giải đấu chất lượng và cạnh tranh.
Thứ ba, khái niệm “giao hữu”, vào những năm 1960, hơi khác so với hiện nay. Pele là cầu thủ vĩ đại nhất thế giới, Santos thường được ví là đội bóng vĩ đại nhất thế giới, và những chuyến du đấu ở châu Âu và châu Phi của Santos rất được các đối thủ xem trọng.
Ví dụ, tại Athens năm 1961, Olympiakos đánh bại Santos của Pele vối tỷ số 2-1, trận thua đầu tiên của đội bóng Brazil trong chuyến du đấu châu Âu kéo dài 13 trận. Chiến công này đối với Olympiakos hiển hách tới mức được người hâm mộ đưa vào bài hát cổ động: “Tất cả run rẩy khi nghe danh chúng ta/Pele và Santos vẫn nhớ tên chúng ta”. Lưu ý, Olympiakos là một gã khổng lồ của bóng đá Hy Lạp, với 46 danh hiệu VĐQG, 28 Cúp QG, và chiến thắng trong một trận giao hữu có Pele là chiến thắng quan trọng nhất lịch sử đội bóng.
Vì thế, không hề vô lý khi Pele muốn tính những bàn thắng giao hữu. Tương tự, vì các trận giao hữu cấp CLB đương đại thiếu tính cạnh tranh nên sẽ khó hiểu hơn nếu các bàn thắng của Ronaldo hay Messi ở những trận đấu này được tính, và do đó, để nhất quán, FIFA chỉ tính bàn thắng trong các trận đấu “chính thức”. Cánh tính này công bằng cho phần lớn cầu thủ, nhưng không phải toàn bộ. Đơn cử như Pele. Vua bóng đá không hề đói tính những bàn thắng được ghi trong vườn nhà mình.
Cũng đáng đặt ra câu hỏi tại sao các bàn thắng trong những trận giao hữu cấp đội tuyển quốc gia được tính, còn cấp CLB lại không. Nhiều bàn thắng của Pele trong các trận giao hữu cấp CLB còn khốc liệt hơn nhiều so với các bàn thắng của Ronaldo vào lưới Andorra hay Luxembourg, những quốc gia còn không có nổi một nền bóng đá.
Bàn thắng “chính thức” là như thế nào, Josef Bican là ai?
Nhìn chung, có vẻ là một thỏa hiệp hợp lý để tính các bàn thắng được ghi trong các trận đấu cấp đội tuyển quốc gia vào thời điểm hiện tại, bất kể tính chất của trận đấu. Tuy nhiên đó là minh chứng về cách xây dựng “các quy tắc” phức tạp hơn có thể xuất hiện.
Bàn về sự phức tạp trong cách tính bàn thắng “chính thức”, tất nhiên phải đề cập đến Josef Bican, chân sút sở hữu số liệu thống kê rõ ràng là xuất sắc, và chắc chắn là một tay săn bàn đẳng cấp. Ông ghi 14 bàn trong 19 lần khoác áo ĐT Áo, trong đó có 1 bàn đưa đội nhà vào bán kết World Cup 1934. Sau đó là 12 bàn trong 14 trận cho ĐT Tiệp Khắc. Nhiều CLB châu Âu, bao gồm Juventus, muốn ký hợp đồng với ông.
Tuy nhiên, tổng số bàn thắng của Bican là một dữ liệu đáng hoài nghi. Ngoài việc xem xét giải đấu của Tiệp Khắc trong những năm 1940 có thực sự chất lượng và đẳng cấp hay không, yếu tố quan trọng ở đây là giai đoạn thăng hoa nhất của Bican lại trùng với Thế chiến thứ hai. Vì vậy, ông không thực sự thi đấu ở các giải đấu thông thường của Tiệp Khắc mà là tại giải đấu do Đức Quốc xã sáp nhập. Hơn nữa, nhiều cầu thủ cùng thời Bican tạm dừng thi đấu vì lý do chiến sự.
Sẽ là không công bằng nếu bỏ qua thành tích ghi bàn của Bican vì quốc gia cư trú của ông bị xâm lược, nhưng cũng không công bằng khi đánh giá 297 bàn thắng trong 143 trận từ năm 1939 đến 1944. Chất lượng và tính chất cạnh tranh của giải đấu đáng bị hoài nghi. Kỷ lục ghi bàn của Bican hầu như bị lãng quên cho đến khi Pele chạm mốc 1.000 bàn, khi các nhà sử học bóng đá cố gắng tìm ra đối trọng có thể sánh với số lượng bàn thắng khổng lồ của Vua bóng đá.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cho dù sở hữu gia tài bàn thắng khổng lồ như vậy, danh tiếng Bican tương đối khiêm tốn. Khi tạp chí danh tiếng World Soccer tổng hợp danh sách 100 cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 20, ông không có tên. Pele nghiễm nhiên đứng nhất.
Sau đó, một lần nữa, cần phải xem xét rằng, mặc dù số bàn thắng của Bican bị thổi phồng bởi chiến tranh, nhưng danh tiếng của ông chắc chắn cũng bị giảm sứt vì con quái vật này. Nếu ông có thể chuyển đến thi đấu ở giải đấu lớn ở châu Âu, hoặc tham dự World Cup, nếu giải đấu này được tổ cức vào các năm 1942 hay 1946, có lẽ chỗ đứng của Bican sẽ trang trọng hơn rất nhiều.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Ferenc Deak, chân sút người Hungary, người đứng thứ 8 trong danh sách những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất mọi thời đại. Đa số bàn thắng của ông cũng được ghi trong Thế chiến 2. Ferenc Puskas, đứng thứ 6, chắc chắn là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử, mặc dù cũng như vậy, giai đoạn sung mãn nhất sự nghiệp của ông trùng với thời kỳ chiến sự nổ ra khắp châu Âu.
Một trường hợp gây tranh cãi hơn là cầu thủ đứng ở vị trí thứ 9: Tulio Maraviha. Ông sinh năm 1969, năm Pele ghi bàn thứ 1.000, và dường như ông coi đó là định mệnh để tái hiện chiến tích của Vua bóng đá. Tulio tự tuyên bố ông đã chạm tới cột mốc ấy, mặc dù giống như Pele, số bàn thắng của ông bao gồm các bàn thắng được ghi trong các trận đấu “không chính thức”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận Tulia đã có sự nghiệp đáng kinh ngạc kéo dài từ năm 1988 đến 2019 và đóng góp 13 bàn thắng sau 15 lần khoác áo đội tuyển Brazil vào những năm đầu thập niên 1990. Ông đã 6 lần giành ngôi vua phá lưới tại các giải đấu trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Brazil, bao gồm 3 lần tại giải VĐQG (hạng nhất), 1 lần tại giải hạng nhì, và 2 lần ở giải hạng ba. Ông là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Goias và Vilka Nova. Và mặc dù nhiều bàn thắng trong số 575 bàn thắng “chính thức” của ông được thực hiện ở giải hạng dưới Brazil, nhưng thành tích từ những năm 1990 và 2000 đáng tin cậy hơn thành tích của nhiều thập niên trước.
Ai là tay săn bàn vĩ đại nhất
Nhưng cuộc chiến để giành danh hiệu cầu thủ ghi bàn vĩ đại nhất lịch sử bóng đá chắc chắn thuộc về Ronaldo, Romario, Messi, Pele, Puskas, Gerd Muller và Uwe Seeler - những cầu thủ vĩ đại mọi thời đại. Rất ít hồ sơ của những huyền thoại này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của số liệu thống kê.
Kỷ lục ghi bàn tại Bundesliga của Gerd Muller thật đáng kinh ngạc, nhưng thành tích của ông có cần tính thêm 47 bàn thắng trong 28 trận cho một mùa giải duy nhất khoác áo TSV 1861 Nordlingen, tại Bezirksliga Schwaben, khi đó là hạng năm của bóng đá Đức?
Số liệu của Seeler hầu hết “hợp lệ”, mặc dù cần chỉ ra rằng Bundesliga chỉ được thành lập vào năm 1963, thời điểm giữa sự nghiệp của chân sút huyền thoại người Đức. Cho đến lúc đó, Tây Đức chia thành hai hệ thống giải bắc và nam. Seeler ghi được 324 bàn trong 9 mùa giải tham dự hệ thống thi đấu cũ, và sau đó chỉ ghi 167 bàn trong 9 mùa tham dự Bundesliga. Điều đó chứng tỏ việc so sánh các cầu thủ trước và sau trở nên khó khăn như thế nào.
Romario, giống như Pele, tuyên bố đạt được 1.000 bàn thắng mặc dù số bàn thắng chính thức của ông là 772. Việc kiểm đếm này – ngoài những phàn nàn thường thấy về hệ thống thi đấu phức tạp của bóng đá Braizl – là khối lượng công việc khổng lồ và kín kẽ. Từ năm 1985 đến 2005, Romaria đã chơi ở các giải đấu cao nhất. Thậm chí, 19 bàn thắng của ông cho Miami FC vào năm 2006 vẫn được thực hiện ở giải hạng hai Mỹ.
Một ứng viên khác sớm tham gia cuộc tranh chấp là Lewandowski. Tiền đạo người Ba Lan đã ghi 533 bàn thắng ở cấp CLB và 74 bàn cho ĐTQG, tổng cộng 607 bàn. Mặc dù tổng số bàn thắng “chính thức” có vẻ thấp hơn một chút nhưng Lewy vẫn có thể đấu tranh để đòi lại sự công bằng. Bởi lẽ, anh đã ghi 6 bàn trong 2 trận ở giải hạng bảy Ba Lan, 4 bàn tại giải hạng tư và 17 bàn ở giải hạng ba.
Nhưng chiều ngược lại, có thể phản biện rằng, tại Bundesliga hiện nay, đội bóng nào đủ sức tranh đua chức vô địch với Bayern Munich, khi gã khổng lồ này đang hướng tới chiếc đĩa bạc thứ 10 liên tiếp. Điều đó cho thấy chênh lệch trình độ giữa các đội bóng lớn tới mức nào. Chính sự kém cỏi đó của các đối thủ đã tạo điều kiện để Lewandowski đạt được những thành tích ghi bàn đáng kinh ngạc, chẳng hạn như 41 bàn ở mùa trước.
Để dễ so sánh, từ năm 1988 đến 2003, Vua phá lưới Bundesliga không bao giờ ghi quá 23 bàn. Lewandowski rõ ràng là một tay săn bàn kiệt xuất, nhưng cũng có sự thay đổi đáng kể về sự bất bình đẳng của các giải đấu, điều này khiến việc so sánh với 20 năm trước trở nên khó khăn, và càng không nên bận tâm so sánh với 80 trước.
Và, trên thực tế, càng đi sâu vào các chi tiết cụ thể của hồ sơ các tay săn bàn, càng nhận ra rằng các con số đều bị ảnh hưởng bởi một số điều kiện khác nhau, do đó so sánh giữa các thời đại không thực sự có nhiều ý nghĩa.
Điều đó cho thấy, thật đáng buồn đối với những người suốt ngày mải miết đi tìm sự so sánh cụ thể trong bóng đá bằng những số liệu thống kê. Ngay cả hai trường hợp rất cụ thể như Messi và Ronaldo cũng rất khó tìm sự tương đối qua những con số. Cho dù cả hai cùng thời, luôn thi đấu tại các giải hàng đầu châu Âu, trong 9 năm khoác áo 2 đội bóng đại kình địch Real Madrid và Barcelona tại La Liga, và các ĐTQG cũng có vị thế tương đương.
Tóm lại, hầu hết mọi so sánh về bàn thắng đều không phản ánh được điều gì – nhưng không còn cách nào khác để so sánh, ở môn thể thao bất cứ ai cũng được quyền đưa ra quan điểm và ưa thích đưa ra quan điểm.