Ai là chủ lô 309kg ngà voi 'núp bóng' hàng kính thủy lực?

Ai là chủ lô 309kg ngà voi 'núp bóng' hàng kính thủy lực?

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 2, 24/10/2016 14:13

Về vụ bắt hơn 300kg ngà voi, theo tin PV nắm được, lô hàng “hóa trang” khá kỹ càng, cẩn thận như để bảo quản kính thủy lực, khi mở lớp thùng bao trong cùng ra, mới phát hiện ngà voi được cắt khúc.

Sáng 2/9, ông Vũ Quang Toàn – Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) đã thông tin thêm với PV báo Người Đưa Tin về quá trình kiểm tra lô hàng "kính thủy lực" của công ty Gia Huy.

Theo đó, ngày 1/10, lô hàng kể trên mới chỉ làm thủ tục mở tờ khai hải quan, chưa xuất trình hồ sơ, giấy tờ có liên quan. Lô hàng được “hóa trang” khá kỹ càng, cẩn thận như để bảo quản kính chịu lực. Bên ngoài là bao dứa, tiếp đến là lớp bao xốp, bên trong là thùng tôn. Mở lớp thùng bao trong cùng ra, mới phát hiện ngà voi được cắt khúc.

Theo ông Toàn, sau khi phát hiện đây là lô hàng cấm, Đội 1 và Chi cục hải quan Nội Bài đã báo cáo trực tiếp lên lãnh đạo Tổng cục và Bộ Tài chính. Đồng thời, có thông báo tới công ty Gia Huy, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đại diện nào tới làm việc.

Xã hội - Ai là chủ lô 309kg ngà voi 'núp bóng' hàng kính thủy lực?

Ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)

Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, những năm vừa qua, việc đấu tranh phòng chống các tội phạm buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu ngà voi diễn ra khá phức tạp. Tôi phạm ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ.

Theo ông Hùng, chỉ trong vòng mấy năm, hải quan Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ gần 10 tấn ngà voi - thuộc hàng đứng đầu thế giới về phát hiện và xử lý mặt hàng buôn lậu này.

"Trước đây, chúng ta chủ yếu phát hiện mặt hàng này bị buôn lậu qua đường hành lý ký gửi trong các năm 2015-2016 thì gần đây, các đối tượng có xu hướng chuyển theo đường hàng hóa. Và, Việt Nam có thể chỉ là nước trung chuyển. Thông thường, mặt hàng này có nguồn gốc từ châu Phi, qua Việt Nam rồi mới chuyển đi các nước khác.

Do có quan hệ chặt chẽ với Tổ chức Tình báo Hải quan quốc tế, chúng ta cũng đã nắm được một số tuyến đường đi và các khả năng nghi vấn tại Việt Nam. Trong đó có công ty Gia Huy.

Đây là công ty không mấy tên tuổi, nhưng thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng kính thủy lực từ Mỹ. Tổng cục Hải Quan cũng đã nghi vấn từ trước, sau đó xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, tiến hành điều tra, xác minh những nghi ngờ có liên quan đến công ty này”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, một trong những thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng buôn lậu xuyên quốc gia sử dụng trong thời gian vừa qua là lập nên các công ty, địa chỉ “ma” để vận chuyển qua các đường trung chuyển. Nếu bị phát hiện, các “địa chỉ ma” này sẽ biến mất.

Trường hợp công ty Gia Huy, hiện chưa khẳng định có phải là “công ty ma”, “địa chỉ ma” hay không. Cục Điều tra chống buôn lậu vẫn đang tiếp tục xác định xem chủ đích thực của lô hàng này là ai cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc.

Hiện, Cục điều tra chống buôn lậu đang phối hợp cùng với các cơ quan chức năng khác để làm rõ vụ việc.

Xã hội - Ai là chủ lô 309kg ngà voi 'núp bóng' hàng kính thủy lực? (Hình 2).

309 kg ngà voi được nhập lậu vào dưới khai báo hải quan là kính thủy lực được phát hiện ngày 1/9

Cũng nói thêm về tình hình buôn lậu ngà voi thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, đây đang là hiểm họa chung, được ngăn ngừa trên toàn thế giới. Hải quan Việt Nam cũng là một thành viên tích cực trong cuộc đấu tranh này.

Ở những vụ việc phát hiện trước đó, việc xử lý được tiến hành theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ hải quan thế giới. Tuy nhiên, hiện nay những quy định của pháp luật Việt Nam cũng chưa sát. Hiện, đơn vị đã có những tham mưu cho Tổng cục và Bộ Tài chính đề xuất, chỉnh sửa luật lên Chính phủ xung quanh việc xử lý.

“Các đối tượng buôn lậu đã tìm hiểu rất kỹ, lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm thúc đẩy việc giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa các quốc gia để tìm cách lách luật, tuồn hàng lậu vào Việt Nam. Trong đó có việc khai báo hải quan là một mặt hàng nhưng thực tế lại là mặt hàng khác.

Nếu việc thông quan tiến hành suôn sẻ, không bị kiểm tra, lô hàng coi như trót lọt. Ngược lại, nếu bị kiểm tra, các đối tượng buôn lậu cũng dễ dàng “phủi” ngay sau đó. Siêu lợi nhuận từ việc buôn lậu ngà voi khiến cho các đối tượng không ngừng thay đổi thủ đoạn, gây khó khăn cho việc đấu tranh, phòng ngừa”, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết.

Báo Người Đưa Tin tiếp tục thông tin về sự việc này.

Siêu lợi nhuận, một ăn mười

Một cuộc điều tra do nhóm phóng viên tờ The Guardian (Anh) thực hiện mới đây đã đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý về nạn buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu. Theo đó, các băng nhóm tội phạm thu được số tiền có thể lên tới 23 tỷ USD/năm từ việc buôn bán các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng

Mỗi năm, khoảng hơn 20.000 con voi bị giết hại để lấy ngà. Theo khảo sát của The Guardian, 1 kg ngà voi ở châu Phi bán với giá 150 USD, khi đến thị trường Bắc Kinh (Trung Quốc) tăng cao gấp hơn 10 lần, trung bình là 2.025 USD. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng voi trong tự nhiên giảm đi nhanh chóng…

Đỗ Huệ

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.